Nước Mỹ đang rơi vào cuộc chiến chính trị sau khi cử tri nước này lựa chọn "trao trả" quyền kiểm soát hạ viện về tay Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 6-11.
"Cuộc chơi"
Một ngày sau cuộc bầu cử trên, Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định đã được dự đoán từ lâu: sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Theo Politico, sự ra đi của ông Sessions có thể mới chỉ là khởi đầu, khi cuộc cải tổ nội các sau cuộc bầu cử giữa kỳ nhằm loại bỏ những người không thật sự hữu ích của ông Trump vẫn còn nhiều cái tên đáng chú ý.
Đồng thời, ông Trump đe dọa trả đũa phe Dân chủ nếu họ mở cuộc điều tra nhằm vào chuyện riêng của ông và nghi vấn tham nhũng trong chính quyền. Đây được cho là sự khởi đầu cho 2 năm đấu đá chính trị không ngừng khi Tổng thống Trump đối mặt con đường phía trước đầy trắc trở - lần đầu tiên ông phải lèo lái một chính quyền trong bối cảnh Đảng Dân chủ kiểm soát hạ viện và cam kết giám sát quyền lực của ông đến cùng.
Giành quyền kiểm soát hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ đồng nghĩa với việc từ tháng 1-2019, Đảng Dân chủ sẽ thay Đảng Cộng hòa đứng đầu các ủy ban, giúp họ có quyền lực thiết lập các chương trình nghị sự, triệu tập nhân chứng và ban hành trát hầu tòa đối với các quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump. Lãnh đạo phe Dân chủ ở hạ viện Nancy Pelosi, người dự kiến trở thành chủ tịch cơ quan này, tuyên bố: "Chúng tôi có trách nhiệm tôn trọng trách nhiệm giám sát của mình và đó là con đường chúng tôi sẽ đi".
Đáp lại, Tổng thống Trump cảnh báo trên mạng xã hội Twitter hôm 7-11 rằng ông sẵn sàng chiến đấu quyết liệt. "Nếu Đảng Dân chủ nghĩ họ sẽ lãng phí tiền thuế của người dân để điều tra chúng tôi ở cấp hạ viện thì chúng tôi cũng buộc phải xem xét điều tra họ về các vụ làm rò rỉ thông tin mật và vấn đề khác ở thượng viện. Hai bên có thể chơi trò này" - ông viết.
Tổng thống Donald Trump chúc mừng ông Jeff Sessions nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ tại Nhà Trắng ở Washington vào tháng 2-2017 Ảnh: REUTERS
Cứng rắn
Với chiến thắng ở hạ viện, Đảng Dân chủ có thể ngăn chặn các chương trình nghị sự của người đứng đầu nước Mỹ (như kế hoạch xây tường ở biên giới với Mexico), yêu cầu ông xuất trình bản kê khai thu nhập để tính thuế, điều tra các xung đột lợi ích trong đế chế kinh doanh và tìm thêm chứng cứ về cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga. Thậm chí, phe Dân chủ cũng có thể sớm "tham gia cuộc chơi" ngay trong hành động từ chức bị ép buộc của Bộ trưởng Tư pháp Sessions. Họ lo ngại diễn biến này có thể khiến cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller gặp khó. "Việc sa thải ông Jeff Sessions sẽ được điều tra và sẽ có người phải chịu trách nhiệm. Điều này phải bắt đầu ngay lập tức, còn không hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát sẽ ưu tiên vấn đề này vào tháng 1 năm tới" - nghị sĩ Dân chủ Jerry Nadler cho biết hôm 7-11.
Không dừng lại ở đó, phe Dân chủ còn lập tức kêu gọi người được tổng thống lựa chọn để thế chân ông Sessions, Chánh văn phòng của Bộ Tư pháp Matt Whitaker, rút khỏi nhiệm vụ giám sát cuộc điều tra của ông Mueller. Ông Sessions đã có bước đi tương tự trước đó và đây là điều ông chủ Nhà Trắng không bao giờ tha thứ. Tuy nhiên, điều này ít có khả năng xảy ra với ông Whitaker - người thường xuyên công khai chỉ trích cuộc điều tra của ông Mueller.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2017, ông Whitaker bày tỏ: "Tôi có thể thấy viễn cảnh ông Jeff Sessions bị thay thế. Bộ trưởng Tư pháp (mới) sẽ không sa thải Mueller nhưng sẽ giảm ngân sách điều tra đến mức cực thấp để cản trở cho đến khi nó bị dừng lại".
Về mặt đối ngoại, giới chuyên gia cho rằng việc phe Cộng hòa mất kiểm soát hạ viện sẽ khiến các chính sách quân sự của Mỹ ở Afghanistan, Syria, Yemen và nhiều nơi khác bị giám sát chặt chẽ, làm dấy lên nhiều lo ngại ở nước ngoài rằng sự "mất mát" trong bầu cử có thể thúc đẩy Tổng thống Trump cứng rắn hơn với NATO, Trung Quốc và những đối thủ khác.
Một số nhà phân tích dự đoán va chạm sẽ tăng nhiệt rõ nét nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, có thể dưới hình thức căng thẳng leo thang ở biển Đông hoặc trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, phe Dân chủ cũng sẽ để mắt tới các cuộc trao đổi, gặp gỡ của ông chủ Nhà Trắng với các lãnh đạo như ông Kim Jong-un của Triều Tiên hay Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bình luận (0)