Chuyện ông Yatsenyuk ra đi không có gì bất ngờ dù chính phủ do ông đứng đầu đã “sống sót” qua kỳ bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội hồi tháng 2-2016. Nhậm chức sau khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ năm 2014, ông Yatsenyuk được kỳ vọng sẽ vực dậy Ukraine song tỉ lệ ủng hộ ông ngày càng sụt giảm do cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của nước này vẫn không thấy lối thoát.
Dù vậy, ông Yatsenyuk nhấn mạnh nhiệm vụ của mình sau khi từ chức còn rộng hơn quyền hạn thủ tướng. “Luật bầu cử mới, cải tổ hiến pháp, kiếm soát đường lối của chính phủ mới, sự hỗ trợ của quốc tế đối với Ukraine, tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO của Ukraine... đều nằm trong chương trình hoạt động của tôi” - ông nhấn mạnh hôm 10-4.
Ông Sergei Leshenko, đại biểu quốc hội thuộc Đảng “Khối của Petro Poroshenko” (BPP), tuyên bố quyết định từ chức là kết quả thỏa thuận giữa ông Yatsenyuk, Tổng thống Poroshenko, các nhà tài phiệt Igor Kolomoisky và Rinat Akhmetov - những người giàu nhất và có ảnh hưởng nhất ở Ukraine và thủ lĩnh BPP Igor Kononenko.
Theo ông Leshenko, đổi lấy việc ông Yatsenyuk nhượng bộ là quyết định nâng giá than cho các trạm nhiệt điện - có lợi cho gia đình Akhmetov, người có quan hệ rất gần gũi với ông Yatsenyuk, cũng như cơ chế để Akhmetov mua khoản nợ công ở các công ty năng lượng mà ông này kiểm soát.
Tổng thống Poroshenko nhận định việc thành lập chính phủ mới sẽ giúp Ukraine nhận được các khoản cứu trợ tài chính từ Mỹ, EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông cho biết liên minh cầm quyền mới sẽ được thành lập vào ngày 12-4.
Dù khẳng định sẽ làm việc với bất kỳ thủ tướng mới nào song ông hy vọng người đó sẽ là đương kim chủ tịch quốc hội Vladimir Groisman. Trong khi đó, theo RIA Novosti, cựu Thủ tướng Sergei Arbuzov (được cho là đang ở Nga) tuyên bố sẵn sàng về nước lãnh đạo chính phủ và khôi phục kinh tế.
Bình luận (0)