Theo “Quy định về ghép nội tạng người” của Trung Quốc, những người duy nhất được phép hiến tạng là vợ hoặc chồng và một số họ hàng thân thuộc của người nhận. Vì vậy, công việc của kẻ môi giới ghép tạng là làm giả mối quan hệ giữa người cho và người nhận.
Phần lớn nguồn cung nội tạng ở Trung Quốc đến từ lao động nhập cư. Ảnh: GETTY IMAGES
Như nấm sau mưa
Để tìm khách hàng, Thái Thiếu Hoa quanh quẩn bên ngoài khu chạy thận nhân tạo trong các bệnh viện lớn ở Bắc Kinh.
Là người môi giới thận trên thị trường ghép tạng ngoài vòng pháp luật ở Trung Quốc, ông Thái tìm kiếm người nhận, trong khi đó một người môi giới khác đi tìm người cho. Nếu người cho thận vượt qua vòng khám sức khỏe, họ sẽ làm giả các giấy tờ với chi phí khoảng 61 USD. Tiết lộ trên tạp chí Life Week (Trung Quốc), ông Thái cho biết những người nhận phải trả từ 16.858 - 18.390 USD cho một quả thận. Người cho tạng, người môi giới còn lại và ông Thái chia đều khoản phí đó.
Giờ đây, ông Thái sẽ không còn lăng xăng bên ngoài các bệnh viện nữa vì bị Tòa án quận Hải Điện - Bắc Kinh buộc tội môi giới bất hợp pháp. Thế nhưng, theo lời của ông, vẫn còn nhiều người môi giới nội tạng khác khắp các bệnh viện cấy ghép ở Bắc Kinh. “Mỗi người môi giới đều có lãnh địa riêng của mình và không được phép làm ăn ở chỗ khác. Nhưng những người môi giới thường trao đổi thông tin hoặc nguồn cung cấp nội tạng với nhau” - ông nói.
Câu chuyện trên đây hé lộ phần nào thị trường nội tạng chợ đen ở Trung Quốc, nơi những kẻ môi giới kiếm được những món lợi béo bở bằng cách làm giả giấy tờ và bắt cóc những người cho bất đắc dĩ.
Nỗ lực kiểm soát
Ông Trương Bằng, thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Hải Điện - Bắc Kinh, nhận xét trên báo China Daily: “Những lỗ hổng trong việc giám sát tại các bệnh viện trở thành cơ hội kiếm lợi lớn từ việc buôn bán nội tạng”. Cụ thể, như trường hợp buôn nội tạng vừa được phanh phui ở tỉnh Sơn Tây, một quả thận của công nhân 26 tuổi tên Hồ Khiết đã bị mua trái luật và bán lại cho một bệnh viện tư với số tiền 4.137 USD. Quan chức y tế địa phương đã bắt giữ nhân viên dính líu đến vụ việc và đình chỉ hoạt động bệnh viện này.
Khoảng 1,5 triệu người Trung Quốc đang có nhu cầu cấy ghép nội tạng mỗi năm nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng cho 10.000 người do thiếu hụt nội tạng hiến tặng. Do đó, Hội Chữ thập đỏ kết hợp với Bộ Y tế mở một chiến dịch hiến tặng nội tạng sau khi chết từ năm 2010. Tuy nhiên, sau một năm tiến hành thí điểm chương trình ở Nam Kinh, không một ai tình nguyện.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ có 131 bộ phận được hiến tặng sau khi người cho qua đời từ năm 2003 đến tháng 5-2009. Báo Yangtse Evening Post (Trung Quốc) liệt kê một loạt ví dụ cho thấy trở ngại lớn nhất đối với việc hiến tạng là tâm lý và quan niệm truyền thống. Nhân viên trong Hội Chữ thập đỏ tỉnh Giang Tô cho biết người dân Trung Quốc không sẵn lòng hiến tặng các bộ phận của cơ thể do tập tục cổ truyền, nhất là những người mất do tai nạn giao thông.
Bộ Y tế Trung Quốc vào tháng rồi đã phát động một chiến dịch triệt phá việc thu mua và cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. Chiến dịch kéo dài đến cuối năm nay và Bộ Y tế tuyên bố sẽ mạnh tay trừng phạt những trường hợp sai phạm.
Bình luận (0)