1. “Hàng ngàn” người hộ tống
Trong chuyến công du Malaysia hồi tháng 4-2014, có tới 1.600 nhân viên đi theo Tổng thống Obama. Nhưng thế chưa là gì so với chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 11-2010, với hơn 3.000 người tháp tùng ông chủ Nhà Trắng.
Những người trong đoàn gồm có quan chức, nhà báo, mật vụ (bao gồm đội chống bắn tỉa, chống đột kích), kỹ thuật viên, đội ngũ hậu cần, lái xe… Cả chó nghiệp vụ cũng theo bảo vệ tổng thống Mỹ.
Đoàn xe của tổng thống Mỹ trong một lần công du. Ảnh: youthconnect.in
2. Đến trước 2 tuần
Hơn 2 tuần trước khi tổng thống đặt chân đến địa điểm công du, đội tùy tùng đã phải dần dần có mặt. Cùng với họ là các xe hơi sẽ sử dụng trong đội xe chở tổng thống, bao gồm 2 chiếc Cadillac One (còn có biệt danh là “Quái thú”). Số xe trên được máy bay vận tải của Không quân Mỹ đưa đi, kèm theo các thiết bị an ninh hạng nặng, thiết bị liên lạc, máy dò kim loại… và cả chiếc trực thăng riêng của tổng thống – chiếc Marine One.
Tháng 8-2015, khi Tổng thống Obama thăm Kenya, ngoài 2 chiếc Marine One, 2 chiếc “Quái thú” còn có 50-60 chiếc limousine được máy bay vận chuyển đến đây để đoàn tùy tùng sử dụng. Cũng dịp này, 8 chiếc máy bay V22 Osprey, nhiều trực thăng tấn công Apache cũng tham gia giữ an toàn cho tổng thống Mỹ. Khi chiếc Marine One chở ông Obama từ vùng Kasarani của thủ đô Nairobi – Kenya ra sân bay quốc tế Jomo Kenyatta để khởi hành đi Addis Ababa – Ethiopia, có đến 5 trực thăng khác vây quanh hộ tống hành trình kéo dài 15 phút này.
Bên cạnh 800 nhân viên Bộ Quốc phòng, thêm 400 nhân viên Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ đi theo đoàn đến Kenya. Nhiều chuyên gia cho hay với điều kiện an ninh như Kenya, nhiều khả năng tàu sân bay cũng sẽ được điều động. Và như thế chi phí sẽ đội lên rất nhiều.
3. Ác mộng của mật vụ Mỹ
Bảo đảm an ninh cho mỗi chuyến đi của tổng thống đều trở thành ác mộng của Cơ quan Mật vụ Mỹ. Ít nhất 5 ngày trước khi tổng thống đến nơi, đội “tiên phong” phải có mặt khảo sát các nguy cơ, tìm hiểu mọi phương án an ninh khả dĩ để lên kế hoạch bảo vệ tốt nhất cho tổng thống Mỹ.
Có thể kể sơ nét những đầu việc của mật vụ Mỹ: nghiên cứu việc mua bán súng và vũ khí địa phương, nhận diện các nguy cơ, theo dõi các hoạt động khả nghi, xác định lộ trình của đoàn xe tổng thống cũng như các địa điểm có thể bị sử dụng để bắn tỉa, những điểm trú ẩn an toàn trong trường hợp khẩn cấp…
“Bộ chỉ huy” mật vụ Mỹ thường đóng trong một căn phòng khách sạn hạng sang mà người ngoài không được lai vãng.
4. “Kill Zone”. "Game Day"
"Kill Zone" (tạm dịch: Vùng giết chóc) là thuật ngữ mà mật vụ gọi khu vực ngay sát tổng thống Mỹ. Bất cứ ai cố xâm nhập vùng này hoặc ở trong vùng này mà không được phép sẽ bị mật vụ bắn tức thì.
"Game Day" (tạm dịch: Ngày hành động) là ngày diễn ra sự kiện chính mà tổng thống Mỹ tham gia và cũng là ngày hết sức nặng nề cho mật vụ Mỹ. Khó khăn thuộc loại nhiều nhất phải nhắc đến lần ông Obama dự lễ duyệt binh nhân Ngày Cộng hòa của Ấn Độ vào tháng 1-2015. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ thời hiện đại có mặt trong một sự kiện ngoài trời hơn 45 phút. Theo báo chí Ấn Độ, chính quyền thủ đô New Delhi đã phải lắp đặt hơn 15.000 camera giám sát trong suốt chuyến thăm của ông Obama. Vùng cấm bay tiêu chuẩn cho ngày lễ nêu trên - bán kính 300 km – phải nâng lên mức 400-500 km để đảm bảo an toàn cho ông chủ Nhà Trắng.
5. Chi phí “siêu khủng”
Nói một cách ngắn gọn là mỗi ngày công du của tổng thống Mỹ tiêu tốn hàng triệu USD.
Cụ thể hơn là một vài liệt kê được báo chí thế giới tổng hợp lại:
- Năm 2010: Chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama “đốt” hơn 200 triệu USD mỗi ngày, theo ước tính của hãng tin PTI (Ấn Độ). Vợ chồng ông Obama ở lại khách sạn Taj Mahal ở Mumbai, nơi từng bị khủng bố tấn công năm 2008. Toàn bộ 570 phòng ở khách sạn này được phía Mỹ “bao” trọn gói.
- Năm 2013: Chuyến thăm từ ngày 26-6 tới 3-7 đến các nước Senegal, Nam Phi, Tanzania thuộc vùng cận Sahara của gia đình ông Obama tiêu tốn khoảng 100 triệu USD, theo đài RT (Nga).
Bên cạnh hàng trăm mật vụ và nhân viên theo sát, họ còn được bảo vệ bởi hàng loạt khí tài quân sự. Máy bay vận tải chở đến đây 56 chiếc xe, bao gồm 14 chiếc limousine và 3 xe tải chở kính chống đạn để che phủ cửa sổ phòng khách sạn nơi nhà ông Obama trú ngụ. Chưa hết, chiến đấu cơ bay vòng trên không che chắn cho họ 24/24.
Đặc biệt, theo tài liệu mật mà báo The Washington Post lấy được, do lo ngại chất lượng bệnh viện và chăm sóc y tế tại khu vực mà hải quân Mỹ còn phái đến đây một con tàu có đầy đủ thiết bị y tế cùng đội ngũ nhân viên để đề phòng trường hợp khẩn cấp.
- Tháng 12-2013: 11 triệu USD là chi phí cho chuyến đi kéo dài 13 giờ tới Nam Phi dự đám tang cố Tổng thống Nelson Mandela của vợ chồng ông Obama. Chi phí này tính luôn tiền thuê 127 phòng khách sạn nhưng chưa tính tiền vận hành chiếc Air Force One.
- Tháng 8-2015: Chuyến thăm Kenya và Ethiopia của ông Obama ước tính tốn 8 tỉ shilling Kenya (khoảng 79,5 triệu USD), theo Quỹ Công đoàn người đóng thuế quốc gia Mỹ. Có tới 1.200 người tháp tùng Obama trong khi cảnh sát Kenya phải huy động khoảng 10.000 nhân viên giữ an ninh.
- Năm 2016: Mới đây hơn, chuyến thăm Ả Rập Saudi vào ngày 20 và 21-4 của ông Obama tốn hơn 3,1 triệu USD cho riêng tiền khách sạn và đội xe hộ tống. Con số này rút ra từ các hợp đồng do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, theo trang Washington Free Beacon (Mỹ).
Bình luận (0)