Khi được hỏi về sai lầm lớn nhất, ông Obama đã nhắc đến việc thất bại trong việc lập kế hoạch sau khi lật đổ nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi.
Điều này đã gây ra tình trạng bất ổn kéo dài tại Lybia mà mãi đến gần đây mới chỉ có dấu hiệu được cải thiện.
Cho dù mục đích có là gì thì không dễ để một nhà lãnh đạo Mỹ nói về sai lầm lớn nhất của mình.
Chẳng hạn như cựu Tổng thống George W. Bush - người tiền nhiệm của ông Obama - gần đây mới chịu hé lộ điều hối tiếc nhất của mình: thất bại của hoạt động tình báo liên quan đến vũ khí của Iraq. Chính quyền của ông Bush đã tiến hành cuộc chiến năm 2003 với cáo buộc, về sau được cho là không đáng tin cậy, rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn năm 2008, ông Bush lại từ chối trả lời câu hỏi liệu ông vẫn quyết định tấn công Iraq nếu biết rằng nước này không sở hữu loại vũ khí trên. Thay vào đó, ông nói: “Tôi sẽ rời Nhà Trắng trong tư thế ngẩng cao đầu”.
Về phần cựu Tổng thống George Bush “cha”, điều ông hối tiếc là không thực hiện lời hứa "không có thuế mới" được đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 1988. “Tôi đã làm thế, và tôi luôn hối tiếc vì điều đó” – Bush “cha” nói khi chạy đua vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ sau. Tuy nhiên, chính lời hứa từng giúp ông đắc cử lần đầu tiên đã cản trở ông vào Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trong khi đó, kể từ khi không còn làm tổng thống, ông Bill Clinton nói mình cảm thấy phải gánh “trách nhiệm cả đời” với nạn diệt chủng Rwanda, xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Tuy nhiên, lời thú nhận nổi tiếng nhất của ông Bill Clinton là vào năm 1998, thời điểm ông vẫn còn tại chức.
Sau hàng tháng chối bỏ, ông đã thừa nhận ngoại tình với thực tập sinh của Nhà Trắng Monica Lewinsky. “Tôi đã đánh lừa mọi người, kể cả vợ tôi. Tôi thật sự ân hận về điều đó" - ông lần đầu tiên thừa nhận về vụ ngoại tình trong lúc đối mặt nguy cơ bị luận tội.
Ông Bill Clinton và thực tập sinh Monica Lewinsky. Ảnh: AP
Thừa nhận sai lầm là một hành vi hết sức mạo hiểm trong chính trị.
Như nhà khoa học chính trị Daniel W. Drezner chỉ ra, điều này không mang lại nhiều lợi ích: một sự thừa nhận khó có thể thay đổi ý kiến của những người chỉ trích nhưng có thể gây tổn hại đến niềm tin của người ủng hộ.
Trở lại lời thừa nhận của ông Obama, một số người bình luận trên trang BBC tỏ ý khen ngợi sự thẳng thắn của nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, những người khác cho rằng ông lẽ ra nên nói nhiều hơn về vấn đề cải cách chăm sóc sức khỏe.
Cựu Tổng thống Ronald Reagan lại ân hận về vụ bê bối liên quan đến chuyện Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran (lúc đó đang bị Washington trừng phạt) để đổi lại việc giải thoát con tin Mỹ và tài trợ phiến quân cánh hữu ở Nicaragua.
Hiện vẫn chưa rõ ông Reagan biết được bao nhiêu trong chuyện này nhưng khi buộc phải nói về vụ việc năm 1987, ông nói: “Một vài tháng trước tôi đã nói với người dân rằng tôi không đổi vũ khí lấy con tin. Trái tim và những ý định tốt nhất cho tôi biết đó là sự thật, nhưng các sự kiện và bằng chứng thì lại trái ngược”.
Ông cho biết mình nhận “trách nhiệm hoàn toàn” về những hành động của mình nhưng cũng tỏ ra giận dữ về những “hoạt động xảy ra mà tôi không hề hay biết”
Vào năm 1961, Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy phải đối mặt sự chất vấn của phóng viên sau thất bại của cuộc xâm lược Vịnh con Heo ở Cuba do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ.
Mặc dù ông Kennedy khẳng định rằng mình không còn gì để nói sau tuyên bố ban đầu, một phóng viên đã hỏi về những thông tin mâu thuẫn xung quanh “một tình hình chính sách đối ngoại nhất định”.
Đáp lại, ông Kennedy đã nói: “Có một câu nói xưa rằng chiến thắng có 100 người cha nhưng thất bại là trẻ mồ côi”. Theo ông, việc không có gì để nói không phải hành động trốn tránh trách nhiệm bởi vì: “Tôi là người chịu trách nhiệm của chính phủ”.
Bình luận (0)