Một năm sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã chọn ngày 27-12 hằng năm là "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh". Nghị quyết A/RES/75/27 về vấn đề trên được thông qua trong phiên họp toàn thể hôm 7-12 (giờ Mỹ).
Đáng chú ý, theo TTXVN, A/RES/75/27 là nghị quyết đầu tiên của ĐHĐ LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công. "Đại dịch đã khiến chúng ta trở tay không kịp nhưng nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh" - hãng tin Reuters dẫn lời Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, khi ông thay mặt các nước đồng tác giả giới thiệu về nghị quyết.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả quốc gia, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ. Theo TTXVN, các nước Canada, Niger, Senegal, Saint Vincent & Grenedines và Tây Ban Nha đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam và 107 nước khác tại tất cả khu vực tham gia đồng bảo trợ nghị quyết.
Thông qua nghị quyết, ĐHĐ LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và giải pháp đa phương, sự cấp thiết của việc củng cố hệ thống y tế, đồng thời đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo đảm nhu cầu trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức khoa học cũng như những biện pháp tốt nhất nhằm ngăn ngừa và ứng phó dịch bệnh ở cả 4 cấp độ: địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” Ảnh: TTXVN
Trao đổi với TTXVN, Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra sáng kiến, chủ trì xây dựng dự thảo, chủ trì quá trình đàm phán dự thảo và vận động để đưa ra ĐHĐ thông qua với số nước đồng bảo trợ rất cao; hơn nữa, được thông qua bằng hình thức đồng thuận. Do đó, sự kiện này có ý nghĩa rất lớn.
Để tạo được dấu ấn này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đưa ra sáng kiến trên từ ngày 16-4, sau đó Việt Nam chuẩn bị lập luận, chiến lược để thuyết phục, vận động các nước có cùng ý tưởng.
Về lý do chọn ngày 27-12, theo Đại sứ Đặng Đình Quý, đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur - một trong những người tạo nền móng cho y tế phòng ngừa. Những thành tựu của ông về y tế và y tế dự phòng cũng như vắc-xin đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới, đồng thời trên thế giới hiện nay có mạng lưới viện Pasteur hoạt động rất hiệu quả. "Chính những thành tựu của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19 đã tạo ra sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng quốc tế" - Đại sứ Đặng Đình Quý nhận định.
Virus gây dịch Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở TP Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Đến tháng 3 năm nay, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Đến nay, toàn thế giới đã có hơn 66 triệu người mắc bệnh, khoảng 1,5 triệu người tử vong vì Covid-19. Nhiều khu vực trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Đông Á… đang lo lắng đại dịch sẽ bùng phát dữ dội vào mùa đông. Tiết trời lạnh giá buộc người dân ở trong không gian kín nhiều hơn, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan. Một số triệu chứng của Covid-19 tương tự các bệnh hô hấp mùa đông nên khó chẩn đoán hơn.
Các nhân viên y tế vỗ tay sau khi cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, được tiêm vắc-xin của Pfizer và BioNtech tại TP Coventry - Anh hôm 8-12 Ảnh: REUTERS
Bước ngoặt của cuộc chiến
Anh chính thức triển khai chương trình tiêm phòng đại trà vắc-xin Covid-19 của 2 hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cho người dân vào ngày 8-12 (giờ địa phương).
Cụ bà Margaret Keenan, người sẽ bước sang tuổi 91 vào tuần tới, là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin của hai hãng nói trên tại Bệnh viện Đại học Coventry. Cụ Keenan chia sẻ đây là món quà sinh nhật sớm tuyệt vời nhất vì nhờ đó cụ sẽ được ở bên cạnh người thân trong năm mới sau gần một năm sống riêng. Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu với hơn 61.000 ca tử vong do Covid-19, chính phủ Anh triển khai tiêm phòng vắc-xin của Pfizer và BioNTech trước cả Mỹ và Liên minh châu Âu. Theo hãng tin Reuters, Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc-xin của Pfizer - BioNTech, đủ dùng cho khoảng 20 triệu người vì mỗi người cần tiêm 2 liều. Tổng cộng, Anh đã đặt mua 357 triệu liều của 7 loại vắc-xin Covid-19 khác nhau.
Chương trình của Anh được xem là bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch. Nga và Trung Quốc cũng bắt đầu tiêm chủng đại trà cho người dân trước khi các cuộc thử nghiệm cuối cùng về tính an toàn và hiệu quả hoàn tất. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 8-12 ký sắc lệnh nhằm bảo đảm vắc-xin Covid-19 do chính phủ mua sẽ ưu tiên cho người dân trước khi hỗ trợ các nước khác. Một quan chức khẳng định Washington tin tưởng sẽ có đủ vắc-xin cho tất cả những người có nhu cầu trước cuối quý II năm tới.
Phát ngôn viên của Pfizer cho biết chính phủ Mỹ ban đầu đặt hàng 100 triệu liều và lô hàng sẽ được chuyển ngay sau khi Pfizer được cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Dự kiến FDA sẽ cấp phép cho 2 hãng dược Pfizer - BioNTech và Công ty Moderna sớm nhất lần lượt vào ngày 10 và 17-12. Tướng Gus Perna, người phụ trách hậu cần cho "Chiến dịch Thần tốc" của chính phủ Mỹ, sẽ chỉ huy lực lượng phối hợp gồm binh sĩ và chuyên gia y tế sẵn sàng phân phối vắc-xin trên toàn nước Mỹ trong vòng 24 giờ sau khi được cấp phép.
Xuân Mai
Bình luận (0)