Đài BBC ngày 11-11 cho biết chú chim cánh cụt Adélie kể trên được cư dân địa phương đặt tên là Pingu. Nó được tìm thấy ở bãi biển New Zealand, cách môi trường sống tự nhiên ở Nam Cực ít nhất 3.000 km.
Ông Harry Singh, người phát hiện ra Pingu đầu tiên, nói rằng ban đầu, ông còn lầm tưởng chú chim cánh cụt là một "món đồ chơi" cho đến khi con vật nhúc nhích cái đầu.
Chú chim cánh cụt Adélie được cư dân địa phương đặt tên là Pingu. Ảnh: BBC
Ông Singh và vợ tìm thấy Pingu khi họ đi dạo trên bãi biển ở Birdlings Flat, một khu định cư phía Nam TP Christchurch, để thư giãn sau một ngày dài làm việc. Có vẻ như nó đi lạc và chỉ có một mình.
"Nó không di chuyển trong 1 giờ và dường như bị kiệt sức" - ông Singh nhớ lại.
Người này sau đó gọi nhân viên cứu hộ chim cánh cụt vì lo ngại nó không xuống nước nên có thể trở thành mục tiêu tiềm tàng cho các động vật săn mồi khác trên bãi biển. "Chúng tôi không muốn nó bị chó hoặc mèo ăn thịt" - ông Singh giải thích.
Chú chim cánh cụt đi lạc 3.000 km từ Nam Cực tới New Zealand
Nhân viên cứu hộ chim cánh cụt Thomas Stracke và một bác sĩ thú y đã giải cứu Pingu vào tối hôm đó. Ông Stracke bày tỏ sự ngạc nhiên vì đây là một chú chim cánh cụt Adélie sống ở Nam Cực.
Xét nghiệm cho thấy Pingu hơi thiếu cân và mất nước. Con vật sẽ được thả tại một bãi biển an toàn trên bán đảo Banks.
Các chuyên gia cho rằng chim cánh cụt Adélie hiếm khi xuất hiện ở New Zealand và nếu điều này xảy ra thường xuyên trong tương lai, hẳn đã có một sự thay đổi đối với đại dương mà chúng ta cần phải chú ý.
Bình luận (0)