Đang có nhiều hoài nghi đối với chính sách “xoay trục” sang châu Á, kể cả trong giới chức Mỹ. Ông Victor Cha, cựu cố vấn các vấn đề châu Á của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận xét: “Tôi nghĩ châu Á - Thái Bình Dương cảm thấy một chút xao lãng từ Mỹ. Họ không thắc mắc công khai nhưng sau cánh cửa kín, họ sẽ không ngần ngại hỏi cái trục ấy đang nằm ở đâu hay chính sách tái cân bằng là gì”.
Đài CNN ngày 22-4 dẫn lời ông Evan Medeiros, cố vấn cấp cao về châu Á của ông Obama, ví von: “Có nhiều câu hỏi rằng chúng tôi có bị chệch hướng chú ý bởi Ukraine hoặc Trung Đông hay không. Chuyến công du này sẽ chứng minh chúng tôi có thể vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su. Chính phủ đang dành công sức khổng lồ để củng cố các lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương”.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
(từ trái qua) gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân ở Hà Lan hồi tháng 3-2014. Ảnh: Yonhap
Tại Nhật Bản, Tổng thống Obama sẽ tập trung vào các cuộc thương lượng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Còn tại Philippines, ông Obama có thể ký một thỏa thuận hợp tác quân sự mới để mở rộng hiện diện của quân đội Mỹ tại một điểm nóng mà Trung Quốc đang tăng cường giành quyền kiểm soát.
Ở Hàn Quốc và Malaysia, mục đích của tổng thống Mỹ là nêu bật sự phát triển năng động của khu vực. Đáng chú ý, 2 điểm dừng chân trong chuyến đi liên quan đến các thảm họa giao thông, đó là vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 của Malaysia và vụ chìm tàu Sewol ở Hàn Quốc.
Ông Obama không thăm Trung Quốc song chắc chắn cái bóng của siêu cường này vẫn đeo bám. Cả 4 nước nằm trong lịch trình đều có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, dư luận khu vực lo ngại Trung Quốc sẽ “học theo”. Tuy nhiên, báo Washington Post dẫn lời một số cố vấn của ông Obama khẳng định điều này không đáng lo bởi Bắc Kinh cũng rất đau đầu vì yêu cầu ly khai của các nhóm sắc tộc thiểu số.
Chuyến đi của tổng thống Mỹ chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng tình hình khu vực lại bất ngờ nóng lên. Ngày 22-4, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cảnh báo Triều Tiên không được tiến hành một vụ thử hạt nhân mới sau khi quân đội nước này phát hiện hàng loạt hoạt động tại bãi thử hạt nhân Pungye-ri. Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế.
Giới chức Tokyo cũng "gây sóng" khi Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Yoshitaka Shindo cùng 146 nghị sĩ viếng đền Yasukuni hôm 22-4, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe gửi đồ lễ.
Bình luận (0)