Với mỗi vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa, Triều Tiên lại càng tiến gần hơn mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân có thể gắn trên loại tên lửa vươn đến lãnh thổ Mỹ. Do đó, sự trì hoãn này khiến dư luận chú ý.
“Họ sẽ thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6 nhưng đang rất cẩn thận lựa chọn thời điểm và xem xét một số yếu tố” - ông Jean Lee, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson (Mỹ), nhận định với đài CNN.
Thay vì thử hạt nhân, Triều Tiên hôm 25-4 tiến hành cuộc tập trận pháo binh có thể được xem là lớn nhất trong lịch sử nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội. Theo trang Sputnik, ông Zhan Debin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán đảo Triều Tiên tại Trường ĐH Kinh doanh và Kinh tế quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), giải thích động thái này có thể là dấu hiệu Bình Nhưỡng muốn thỏa hiệp trước sức ép của cộng đồng quốc tế.
“Nếu Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo, nước này sẽ vấp phải phản ứng cứng rắn từ Trung Quốc và Mỹ” - ông Zhan nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng dường như hiểu khá rõ rằng tiếp tục thử hạt nhân trong hoàn cảnh hiện tại sẽ có hại cho họ.
Bà Irina Lantsova, chuyên gia về Mỹ và châu Á tại Trường ĐH bang St. Petersburg (Nga), cũng cho rằng Triều Tiên tập trận pháo binh thay vì thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa là một dấu hiệu tốt, qua đó cho thấy sự thận trọng của Bình Nhưỡng. Theo bà Lantsova, tình hình trên bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng sẽ dần trở lại bình thường.
Không lạc quan như những chuyên gia trên, quân đội Mỹ bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc hôm 26-4, dẫn đến không ít chỉ trích trong nội bộ Seoul và phản đối từ Trung Quốc.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần VI ngày 26-4, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nhận xét bán đảo Triều Tiên đang bên bờ vực chiến tranh do bị khiêu khích từ bên ngoài.
Bình luận (0)