Nhà chức trách Trung Quốc vào cuối tuần rồi đã ban hành một loạt biện pháp khác thường trong nỗ lực cứu thị trường chứng khoán (TTCK), như siết chặt lệnh cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu và cho phép các quỹ lương hưu đầu tư trực tiếp đến 30% giá trị tài sản ròng vào cổ phiếu. Tuy nhiên, những động thái “quá ít và quá muộn” như thế, theo nhận định của đài BBC, không đủ ngăn một ngày đầu tuần giông bão.
“Thứ hai đen tối” ở Trung Quốc
Theo hãng tin Reuters, việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu khiến các chỉ số Shanghai Composite và CSI300 lần lượt giảm 8,5% (xuống còn 3.209,91 điểm) và 8,8% (3.275,53 điểm) hôm 24-8. Đây là các tỉ lệ giảm trong ngày lớn nhất của TTCK Trung Quốc kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 khiến toàn bộ mức tăng trưởng kể từ đầu năm cho đến giờ của thị trường này mất sạch.
“Đây là thảm họa thật sự và dường như không điều gì có thể ngăn chặn nó” - ông Chen Gang, Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý tài sản Heqitongyi Asset Management ở TP Thượng Hải, lo lắng. Theo Reuters, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang thất vọng trước việc Bắc Kinh không công bố những chính sách hỗ trợ đủ mạnh như kỳ vọng sau khi thị trường chứng khoán sụt giảm đến 11% trong tuần rồi.
Trong nỗ lực ổn định kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) dự định vào cuối tháng này hoặc đầu tháng tới, tiếp tục hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để khuyến khích hoạt động cho vay.
Theo báo The Wall Street Journal, PBOC hy vọng lần hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc thứ ba trong năm sẽ giúp các ngân hàng có thêm khoảng 106,2 tỉ USD để cho các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân vay. Đây được xem là những thành phần quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Vấn đề là chiến lược này tỏ ra không mấy hiệu quả trong quá khứ. Ngoài ra, với việc tăng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng theo cách nói trên, PBOC gần như thừa nhận động thái phá giá nhân dân tệ mới đây đang phản tác dụng.
Dù vậy, ông Eiji Kinouchi, một nhà phân tích của Công ty Daiwa Securities (Nhật Bản), cho rằng Bắc Kinh có thể phải tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ nếu nền kinh tế tiếp tục có vấn đề, làm gia tăng tác động tiêu cực lên TTCK nước nhà.
Theo ghi nhận của hãng tin Bloomberg, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong tháng 7 giảm còn 6,6%. Ông Wu Kan, nhà quản lý quỹ đầu tư tại Công ty JK Life Insurance ở TP Thượng Hải, nhận định: “Tình hình kinh tế Trung Quốc khá bi quan và một số lĩnh vực còn có bong bóng. Áp lực bán ra trên các thị trường khắp thế giới cũng đè nặng lên tâm lý của thị trường địa phương. Chỉ số Shanghai Composite có thể giảm xuống còn quanh mức 3.000 điểm”.
Đánh chìm chứng khoán thế giới
“Cú ngã” của chứng khoán Trung Quốc đã gây ra “cuộc tắm máu” trên TTCK châu Á hôm 24-8, theo ví von của Bloomberg. Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật) giảm 5,1% xuống mức thấp nhất 3 năm qua trong khi chỉ số Nikkei của Tokyo giảm 4,6%.
Châu Âu không khá hơn khi một loạt chỉ số ở Anh, Pháp, Đức, Bỉ… giảm 4,8%-6,8% trong phiên giao dịch đầu ngày. Tại Mỹ, tiếng chuông mở cửa phiên giao dịch đầu ngày 24-8 (giờ địa phương) vừa điểm, chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm (6,5%). Tình hình sau đó khá hơn nhưng sắc đỏ vẫn tràn ngập. Theo CNN, hơn 5.000 tỉ USD đã bị cuốn phăng khỏi chứng khoán thế giới kể từ khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.
Giá dầu thô ở Anh và Mỹ cũng chịu chung số phận khi giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi qua (dưới 44 và 39 USD). Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh hôm 23-8 đã kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) họp khẩn để tìm cách ổn định giá dầu.
Cùng chung đà giảm, chỉ số Bloomberg Commodity theo dõi 22 loại hàng hóa giảm 1,7% vì mọi loại hàng từ dầu mỏ đến kim loại đều thừa cung do kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Trong khi đó, đồng rúp Nga mất giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 24-8, tỉ giá rúp/euro xuống mức thấp nhất kể từ ngày 15-12-2014. Tỉ giá của USD và euro so với rúp lần lượt là 71,28 rúp/USD và 81,55 rúp/euro.
Giá vàng cũng nhảy múa theo tình hình ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Theo Reuters, giá vàng hôm 24-8 đạt gần mức cao nhất trong hơn 7 tuần qua. “Vàng đang trở thành nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư do những thị trường khác đều không ổn định. Nếu mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, giá vàng có thể còn tăng cao hơn” - ông Victor Thianpiriya, nhà chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng ANZ, nhận định.
Áp lực cho ông Tập Cận Bình
Báo McClatchy (Mỹ) mới đây dẫn phân tích của nhà báo kỳ cựu Stuart Leavenworth cho rằng hàng loạt thông tin kinh tế bi quan đang hướng những ánh mắt lo ngại về phía người đứng sau tất cả quyết sách cuối cùng của nền kinh tế số 2 thế giới - Chủ tịch Tập Cận Bình.
Từ khi lên nắm quyền năm 2012, chuyển đổi nền kinh tế là một trong những mục tiêu được vị lãnh đạo 62 tuổi ưu tiên hàng đầu nhưng chưa để lại được nhiều dấu ấn. “Trung Quốc đang tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới, chuyển từ xuất khẩu hàng giá rẻ sang sản xuất sản phẩm giá trị cao hơn và thúc đẩy tiêu dùng trong nước” - ông Charles Morrison, Giám đốc Trung tâm Đông Tây (Mỹ), cho biết.
Đi ngược với kỳ vọng, người ta chỉ đang thấy một TTCK quá hỗn loạn, một bong bóng bất động sản đang xì hơi và một nền kinh tế giảm tốc. Mới đây, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và một số phương tiện truyền thông nước này còn gây bất ngờ khi cho biết kế hoạch cải tổ của ông Tập đã và đang vấp phải sự phản đối mạnh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đầu tháng này, tờ Nhân dân Nhật báo còn đăng tải hàng loạt ý kiến của các quan chức đã nghỉ hưu phản đối kế hoạch cải tổ kinh tế và chống tham nhũng của ông Tập. Một số cho rằng những kế hoạch cứng rắn này đang kéo ghì sự bứt phá của đất nước.
Trong khi đó, giới chuyên gia đánh giá một số biện pháp như giảm lao động giá rẻ ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh thực ra có hại nhiều hơn lợi đối với Trung Quốc. Lý do là khi nguồn cung lao động giảm và lương tăng trong nước, một số ngành công nghiệp đang kéo ra nước ngoài để giảm chi phí sản xuất.
“Quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc chưa bao giờ dễ dàng. Tuy nhiên, những diễn biến trong năm nay cho thấy mọi chuyện không như kế hoạch” - ông George Magnus, cố vấn kinh tế cấp cao của Ngân hàng Đầu tư UBS (Thụy Sĩ), đúc kết.
Thu Hằng
Bình luận (0)