Làn sóng lây nhiễm mới của Covid-19 trên toàn cầu, thiên tai liên tiếp từ Âu sang Á, các cảng quan trọng của Nam Phi bị tấn công mạng... Tất cả xảy ra cùng lúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu trượt tới điểm đứt gãy, theo các nhà kinh tế học và chuyên gia vận tải.
Biến thể Delta đang tàn phá nhiều khu vực của châu Á và khiến nhiều nước không cho tàu thuyền cập cảng. Theo Reuters, khoảng 100.000 thủy thủ đang mắc kẹt trên biển trong tình trạng kiệt sức.
Tàu biển vận chuyển khoảng 90% giá trị thương mại thế giới nên cuộc khủng hoảng của giới thủy thủ đang làm gián đoạn nguồn cung của mọi thứ, từ dầu mỏ, quặng sắt đến lương thực, hàng điện tử.
Công ty Vận tải biển Hapag Lloyd (Đức) mô tả tình hình hiện nay là "cực kỳ thử thách", năng lực vận chuyển tàu bè "chạm nóc" trong khi container rỗng khan hiếm. "Chúng tôi hy vọng tình trạng này sẽ kết thúc vào quý IV năm nay... nhưng rất khó dự đoán" - đại diện Hapag Lloyd nhận định.
Những người trong ngành cho biết cảng biển khắp thế giới đang chịu cảnh ùn tắc chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Union Pacific, một trong 2 công ty đường sắt lớn nhất trong giới vận chuyển hàng hóa từ các cảng nội địa ở bờ Tây nước Mỹ, từ cuối tuần trước đã tạm ngừng chuyển hàng đến một trung tâm ở TP Chicago trong 7 ngày. Trung tâm này là nơi xe tải đến bốc dỡ hàng hóa đi tiếp.
Quyết định trên, theo các chuyên gia, là nhằm giảm tắc nghẽn hàng hóa ở Chicago nhưng mặt khác sẽ đè thêm áp lực lên các cảng ở Los Angeles, Long Beach, Oakland và Tacoma. Chưa hết, các cảng container lớn ở thủ đô Cape Town và TP Durban của Nam Phi bị tấn công mạng tuần này, khiến tình trạng gián đoạn càng thêm nghiêm trọng.
Đường sá được sửa chữa ở Schuld - Đức ngày 17-7, sau trận mưa lũ lớn Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, những trận mưa lũ khủng khiếp giáng xuống Trung Quốc và Đức, đồng thời là 2 nền kinh tế lớn, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm mong manh.
Lũ lụt ở Trung Quốc chặn đứng hoạt động vận chuyển than từ các vùng mỏ như Nội Mông và Sơn Tây trong lúc các nhà máy điện đang nóng lòng chờ nhiên liệu để sản xuất đáp ứng nhu cầu lên đỉnh điểm vào mùa hè.
Tại Đức, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đã chậm đi đáng kể. Trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 11-7, khi thảm họa xảy ra, tỉ lệ vận chuyển hàng chậm đã tăng 15% so với tuần trước đó, theo dữ liệu của nền tảng FourKites.
Chuỗi cung ứng phập phồng ảnh hưởng đến cả Mỹ và Trung Quốc - 2 đầu tàu chiếm tới hơn 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Tình hình kéo dài có thể làm kinh tế thế giới hụt chân, kéo theo sự tăng giá của mọi mặt hàng và nguyên liệu thô. Đơn cử, ngành sản xuất ôtô, giám đốc điều hành một công ty sản xuất phụ tùng của Hàn Quốc (chuyên cung ứng cho các hãng xe Ford, Chrysler và Rivian) cho biết giá thép thô đang tăng cao, một phần do cước vận chuyển leo thang.
"Điều này khiến các sản phẩm của chúng tôi tăng khoảng 10%" - vị này nói với Reuters. Trong khi đó, nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất châu Âu, Electrolux, cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung phụ tùng có thể cản trở hoạt động sản xuất của họ.
Các dữ liệu của Mỹ ngày 23-7 cho thấy kịch bản tăng trưởng sẽ chậm lại trong nửa sau năm nay, sau khi nước Mỹ chứng kiến quý II tăng trưởng mạnh nhờ thành công bước đầu của chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Theo công ty phân tích thị trường HIS Markit (Anh), hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tháng này rơi xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua do thiếu nguyên liệu thô và nhân lực, từ đó đẩy giá cả lên cao khi cầu đã vượt cung, kéo theo lạm phát gia tăng.
Đây sẽ là bài toán hóc búa dành cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khi cơ quan này chỉ mới đánh giá Covid-19 không còn là gánh nặng đối với nền kinh tế Mỹ vào 6 tuần trước.
Bình luận (0)