Theo hãng tin AP hôm 20-7, Hàn Quốc ước tính chi phí dành cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên là từ 1-3 tỉ USD.
Con số này cao hơn nhiều nếu Bình Nhưỡng kết hợp phát triển cả tên lửa. Dù vậy, khoản tiền này không là gì nếu so với so với chi tiêu quân sự của Mỹ, .
Để tiện so sánh, AP lấy ví dụ một chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia tiêu tốn của hải quân Mỹ khoảng 2,5 tỉ USD. Trong khi đó, tàu sân bay mới nhất của Washington, USS Gerald Ford, có giá lên tới 8 tỉ USD, chưa kể chi phí phát triển.
Binh sĩ Triều Tiên mang ba lô in biểu tượng hạt nhân trong lễ duyệt binh ngày 27-7-2013. Ảnh: AP
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 31 quả tên lửa đạn đạo do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh phóng thử kể từ khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2011 cho đến tháng 7 năm ngoái đã ngốn của Bình Nhưỡng ít nhất 97 triệu USD.
Trong đó, mỗi quả Scud có giá 1-2 triệu USD, Musudan từ 3-6 triệu USD và mỗi quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) giá 5-10 triệu USD.
Cho đến tháng 7-2016, Triều Tiên đã bắn 16 tên lửa Scud, 6 tên lửa Rodong, 6 tên lửa Musudan và 3 quả SLBM.
Vào tháng này, Triều Tiên thử nghiệm tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên. Trong 7 tháng đầu năm 2017, Bình Nhưỡng tiến hành 11 vụ thử tên lửa, bắn tổng cộng 17 quả.
AP cho biết ngân sách quốc phòng của Triều Tiên chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (khoảng 7-10 tỉ USD). Tỉ lệ này vượt xa so nhiều nước trên thế giới.
Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên thu hút ngoại tệ bằng cách gửi hàng chục ngàn lao động ra nước ngoài, cộng với việc xuất khẩu vũ khí bất hợp pháp và tấn công mạng.
Nhà nghiên cứu Curtis Melvin tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), nói rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên khá đắt đỏ nhưng chế độ Bình Nhưỡng có thể sẽ cảm thấy không an toàn nếu họ không duy trì nó.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Triều Tiên không có cách nào đuổi kịp các nước láng giềng giàu có và sở hữu công nghệ tiên tiến nếu chạy đua vũ trang kiểu thông thường.
Dù chi phí cao nhưng việc duy trì một cơ sở hạt nhân vẫn ít tốn kém hơn so với chi phí dành cho một đội quân hàng triệu người.
Một khi nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân đáng tin cậy, Triều Tiên có thể giảm chi tiêu cho những lĩnh vực khác của quân sự và dùng số tiền này vào phát triển nền kinh tế.
Bình luận (0)