Trong một nửa tá thư gửi lên trên, ông Mukul Sangma đề nghị rút lại lệnh cấm mà Tòa án Xanh quốc gia - tòa án về môi trường của Ấn Độ - ban hành.
Ông viện cớ ngành công nghiệp này đem lại phần lớn tiền của cho bang Meghalaya và việc cấm đoán ấy vi phạm luật bộ lạc. Để thêm sức nặng, Thủ hiến Sangma cẩn thận đệ trình cả kế hoạch điều chỉnh khai thác và giải quyết những quan ngại về môi trường của tòa án.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn nhiều nếu đây chỉ là chuyện về lợi ích của bang và tầm nhìn của một thủ hiến. Chỉ có điều, trong lúc trút cạn tâm can hầu mong thuyết phục New Delhi suy nghĩ lại, ông Sangma không đả động gì đến việc người đầu ấp tay gối của mình… sở hữu 6 mỏ than “lỗ chuột” tại Meghalaya. Điều này được một quan chức cấp cao xác nhận với hãng tin Reuters.
Theo báo chí địa phương, vợ ông - nữ nghị sĩ Dikanchi D Shira - là 1 trong 4 phụ nữ giành được ghế trong Hội đồng Lập pháp bang Meghalaya năm 2013. Vị trí của bà nhận được sự hậu thuẫn vững vàng từ chồng và em rể Zenith Sangma - một bộ trưởng của bang.
Khi bị hạch hỏi, Thủ hiến Sangma biện bạch rằng đã báo cáo chuyện kinh doanh của gia đình cho ủy ban bầu cử vào năm 2013, đồng thời khẳng định đề xuất của ông không dính dáng đến việc “nồi cơm” bị lung lay. “Tôi may mắn lấy được vợ giàu và bà ấy thừa kế các mỏ than” - ông Sangma chia sẻ với Reuters và không quên trần tình các mỏ than của vợ trên thực tế đã dừng khai thác khi ông lần đầu tiên trở thành thủ hiến bang này năm 2010.
Các mỏ than “lỗ chuột” ở Meghalaya chôn vùi hàng ngàn người lao động, kể cả trẻ em, trước khi lệnh cấm được ban hành vào tháng 4-2014. Vào thời điểm hoàng kim, doanh thu từ sản xuất than ở bang này lên đến 4 tỉ USD/năm, chiếm khoảng 1/10 tổng sản lượng cả nước.
Bình luận (0)