Ả Rập Saudi, điểm đến đầu tiên trong 5 điểm dừng chân của chuyến công du 8 ngày của ông chủ Nhà Trắng, gây nhiều chú ý với việc dự kiến ký kết thỏa thuận vũ khí lên tới 110 tỉ USD trong vòng 10 năm. Liên quan tới bản hợp đồng kỷ lục này, tờ The New York Times hôm 18-5 đã tiết lộ một câu chuyện hậu trường cho thấy sự can thiệp sâu của con rể ông Trump, đồng thời là cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner.
Theo đó, câu chuyện bắt đầu với cuộc gặp giữa ông Kushner và phái đoàn cấp cao của Ả Rập Saudi tại phòng chiêu đãi sang trọng gần Nhà Trắng hôm 1-5. "Hãy thỏa thuận xong xuôi hôm nay" - đó là lời của chàng rể quý của ông Trump với đoàn quan khách. Và hai bên đã thảo luận về một danh sách mua sắm, bao gồm máy bay, tàu chiến và bom hành trình chính xác. Đặc biệt, hệ thống radar tinh vi được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo cũng được các đại diện Ả Rập Saudi quan tâm.
Tuy nhiên, như cảm thấy không an tâm về giá cả, con rể của Tổng thống Trump đã điện thoại cho bà Marillyn A. Hewson, Giám đốc điều hành của nhà thầu Lockheed Martin - nơi sản xuất hệ thống radar nói trên, và đề nghị giảm giá, theo một số quan chức chính quyền.
Các nhà phân tích cho rằng sự can thiệp cá nhân của ông Kushner vào việc mua bán vũ khí là một bằng chứng nữa cho thấy sự khác biệt của Nhà Trắng dưới thời ông Trump. Việc gặp gỡ không chính thức để đưa ra những thỏa thuận tại chỗ với giới chức nước ngoài từ lâu không phải chuyện xa lạ. Điều đổi khác ở đây là các quan chức của Ả Rập Saudi nay lại thỏa thuận trực tiếp với một thành viên trong gia đình của ông Trump.
Tổng thống Trump tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 18-5 Ảnh: REUTERS
Theo hãng thông tấn AP, Nhà Trắng từng kỳ vọng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống - vốn do ông Kushner phác thảo chương trình nghị sự - có thể mang tới cơ hội khởi động lại chính quyền sau 4 tháng đầu nhiều sóng gió.
Song theo đài CNN, với những cuộc khủng hoảng chính trị trong nước không thể tồi tệ hơn, cuộc công du chỉ cần diễn ra suôn sẻ là đủ để được đánh giá là thành công. Một quan chức chính quyền gọi chuyến đi này là "một kiểu đi hay là chết", không phải chỉ đối với Tổng thống Trump mà cả với những phụ tá của ông. Bởi đối với không ít quan chức bị mất niềm tin của ông Trump, chuyến đi có thể là cơ hội cuối cùng để họ bảo vệ "chiếc ghế" của mình.
Tại Ả Rập Saudi, chưa rõ vị tổng thống khó lường của nước Mỹ sẽ thể hiện ra sao với một bài phát biểu tới thế giới Hồi giáo khi mà chiến dịch tranh cử trước đó của ông đầy rẫy nhưng lời lẽ chống Hồi giáo. Thậm chí chính quyền non trẻ của ông còn nhiều lần tìm cách cấm nhập cảnh công dân một số quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo.
Tại điểm đến thứ hai là Israel, Tổng thống Trump sẽ gặp Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng sau vụ ông chia sẻ thông tin mật do Israel cung cấp cho giới chức ngoại giao Nga.
Trong khi đó, tại Rome - Ý, ông Trump dự kiến gặp Giáo hoàng Francis - một nhân vật cũng từng bị ông dành cho nhiều lời lẽ không hay trong chiến dịch tranh cử. Tại Brussels (Bỉ), ông Trump sẽ tham dự cuộc họp của NATO - liên minh cũng bị ông Trump nhiều lần đe dọa "bỏ rơi" song tới nay quan điểm của vị tổng thống đã có phần hòa dịu hơn.
Trước khi trở về Washington và khép lại chuyến công du vào ngày 27-5, Tổng thống Trump còn dự Hội nghị G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) tại Sicily - Ý.
Bình luận (0)