“Bột thịt bò” biến thịt heo thành thịt bò. Ảnh: Shanghai daily
Trước đó, phóng viên Nhật báo Quảng Châu phát hiện các nhà hàng ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, thường dùng một thứ bột hóa chất có tên “Phụ gia Vua thịt” để nấu các món heo hầm ăn một lần phát ghiền như hút á phiện.
Kẽ hở pháp lý
Giang Tô là tỉnh láng giềng của Thượng Hải, cho nên không loại trừ các nhà hàng ở đây bắt chước mua “Phụ gia Vua thịt” bán đầy rẫy trong các chợ thực phẩm ở Nam Kinh, đem về chế biến các món thịt heo. Ông Kim Bồi Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà hàng Thượng Hải, nhận định trên tờ Thời báo Hoàn Cầu: “Chỉ có nhà hàng nhỏ dùng nó để nâng cấp hương vị những món ăn vốn kém chất lượng của họ. Nhà hàng lớn thường tránh dùng hương vị hóa chất mà họ biết rõ là độc hại”.
Ông Cơ Hợp Lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Phụ gia Thực phẩm Thượng Hải, cho biết bột “phụ gia Vua thịt” trộn lẫn nhiều hóa chất thực phẩm trong đó có chlorine (clo) gây tổn hại hệ thống tiêu hóa. Theo ông Cơ Hợp Lực, mỗi thứ dùng riêng lẻ đều là hóa phẩm hợp pháp nhưng trộn lẫn 3 thứ để làm tăng hương vị thì có vấn đề.
FDA Thượng Hải cho biết thêm bột “Phụ gia Vua thịt” có thể dùng tẩm ướp mọi loại thực phẩm trừ thịt tươi. Tuy nhiên, do chất phụ gia này có thể làm át mùi hôi thối của thịt ươn, nhiều đầu bếp vô lương tâm đã lạm dụng.
Hơn nữa, “Phụ gia Vua thịt” còn có tác dụng gây nghiện, ăn một lần thì muốn ăn nữa. Tác dụng này, theo tờ Nhật báo Thượng Hải, giống trước đây, các đầu bếp dùng vỏ cây thuốc phiện khi chế biến các món ăn để thu hút khách hàng.
Vấn đề ở đây là hiện nay, theo ông Bằng Đông Thăng, Tổng Thư ký Hội Đầu bếp Giang Tô, không có quy định nào của FDA cấm sử dụng chất phụ gia nói trên. Tác hại và tính pháp lý của nó chưa được nghiên cứu và xác định cho nên trên thị trường tràn ngập các loại phụ gia, trong đó có “Phụ gia Vua thịt” mà nhà sản xuất quảng cáo trên các trang mạng thương mại trực tuyến là “gia vị tự nhiên dùng ít sẽ vô hại”. Một chai “Phụ gia Vua thịt” 500 ml có giá 70 tệ (231.500 đồng).
Thịt bò gốc heo
Hàng nhái Trung Quốc nổi tiếng đạt trình độ “thần sầu, quỷ khốc”. Nhưng thịt heo biến thành thịt bò trong vòng 90 phút là một “thành tích” quái lạ. Xì-căng-đan này bùng nổ hồi tháng 4 năm ngoái.
Công phát hiện thuộc về cán bộ Vụ Công Thương thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Một số quán ăn nhỏ dùng bột thịt bò ướp thịt heo để chế biến các món được cho là làm từ thịt bò. Ngoài ra, khô bò làm từ thịt heo cũng được bày bán công khai không chỉ ở An Huy mà cả ở các tỉnh khác như Phúc Kiến, Giang Tây…
Phóng viên của Nhật báo Tài chính Trung Quốc đã ra chợ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, mua một bình “bột thịt bò” loại 1 lít giá chỉ có 45 tệ (148.800 đồng) đem về chế biến thịt heo thành thịt bò gồm 6 bước, từ khử mùi heo đến ướp nước màu. Sau 90 phút, miếng thịt heo nấu chín biến thành thịt bò với hương vị và màu sắc đặc trưng.
“Phụ gia Vua thịt”. Ảnh: THX
Thịt heo “siêu nạc”
Ngày 26-11-2011, Tòa án Dân sự Tối cao tỉnh Hà Nam đã kết án 113 người, trong đó có 77 cán bộ nhà nước, dính xì-căng-đan dùng “bột tạo nạc” clenbuterol (một loại hóa chất tổng hợp độc hại) trộn vào thức ăn nuôi heo để xuất chuồng heo “siêu nạc”.
Clenbuterol là chất cấm bởi gây choáng váng, vã mồ hôi, tim đập loạn xạ. Ăn nhiều có thể bị ung thư. Vụ này bùng nổ hồi tháng 3 năm ngoái nhưng thực ra xuất hiện từ năm 1998, năm 2007 từng làm xôn xao dư luận Trung Quốc. Đã có 1 người chết và hơn 1.700 người bị ngộ độc vì ăn phải thịt heo chứa chất clenbuterol.
Trong số bị cáo, có doanh nhân Lưu Tương lãnh án tử hình và đồng phạm Hề Trung Kiệt bị tù chung thân. Họ Lưu và họ Hề đã bỏ ra 50.000 tệ sản xuất clenbuterol từ năm 2007 bán cho các nhà chăn nuôi heo. Tháng 3-2011, họ đã bán được 2.700 kg clenbuterol ở 8 tỉnh, thu lợi 6,4 triệu tệ. 77 cán bộ thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm lãnh án từ 3 đến 9 năm tù vì thiếu trách nhiệm và lạm dụng quyền lực. 36 người nuôi heo cũng bị tù giam hoặc lãnh án treo.
Kỳ tới: 10 vụ bê bối đình đám nhất
Bình luận (0)