Theo trang tin USNI ngày 22-9, các chuyên gia đến từ Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ (NWC) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã thống nhất tại một phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Hạ viện rằng Washington phải thể hiện lập trường cứng rắn hơn ở biển Đông cũng như đẩy mạnh hoạt động tự do hàng hải.
Mục đích nhằm nhấn mạnh việc tuân thủ luật hàng hải ở vùng biển quốc tế này không chỉ quan trọng đối với an ninh khu vực mà còn có ý nghĩa trong việc duy trì luật biển ở những nơi khác trên thế giới.
Ngoài ủng hộ Mỹ phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), các chuyên gia NWC và CSIS còn cho rằng hải quân Mỹ cần phải củng cố quyền tự do hoạt động trên các tuyến đường thủy (FONOPS).
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao của CSIS về các vấn đề châu Á kiêm giám đốc chương trình nghiên cứu sức mạnh của Trung Quốc (CPP), tuyên bố bà sẽ thúc đẩy việc thực hiện FONOPS nhiều hơn và tiến hành “một cách lặng lẽ, không phô phương”.
Bà Glaser thừa nhận Úc có thể là một đối tác hiệu quả giúp thực hiện FONOPS. Tuy nhiên, bà lo lắng về sự tham gia của Nhật Bản. “Người Trung Quốc đang gây áp lực rất lớn đối với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Họ đã từng điều động tàu trong phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Vì vậy, tôi lo ngại họ sẽ hành động tương tự với quần đảo Senkaku (do Tokyo tuyên bố kiểm soát). Đó sẽ là một cái giá rất lớn cho Nhật Bản.” – bà Glaser lưu ý.
Hồi tháng 10 năm ngoái, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG-82) của hải quân Mỹ đã tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi – do Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông. Đứng về góc độ luật hàng hải, Lầu Năm Góc khẳng định tàu của họ “vô hại” khi không sử dụng bất kỳ loại vũ khí hoặc radar cũng như hành động quân sự nào lúc đi qua đá Xu Bi.
Giáo sư luật quốc tế James Kraska tại NWC nói rằng để thách thức tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc, ông sẽ không chọn cách mà tàu USS Lassen đã làm. Bởi tiếp cận đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh một cách vô hại như vậy được xem là hoạt động hạn chế nhất trong luật biển.
Ông Kraska cũng tuyên bố không có đường cơ sở hợp pháp nào gần quần đảo Trường Sa, đồng thời nhấn mạnh đường cơ sở gần quần đảo Hoàng Sa (tất cả đều của Việt Nam) là bất hợp pháp. Những đường này Trung Quốc đơn phương thiết lập bên ngoài 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo và theo luật pháp quốc tế, chúng không được công nhận.
Cũng theo các chuyên gia NWC và CSIS, Trung Quốc cố gắng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý không phải bằng đội tàu vỏ xám của Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) mà thông qua đội tàu hải cảnh vỏ trắng cùng tàu bán quân sự vỏ xanh. Giáo sư Andrew Erickson của NWC mô tả đây là lực lượng trong bóng tối của Trung Quốc.
Trong khi đó, bà Glaser nhận định Washington có thể lo lắng về việc ép Bắc Kinh chấm dứt các hành vi gây mất ổn định ở biển Đông sẽ làm ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa 2 nước ở hiện tại và trong tương lai. Nhưng bà tin rằng Mỹ đủ khả năng để cân bằng cả hai.
Bình luận (0)