Nhật Bản sẽ tăng cường hoạt động tại biển Đông thông qua tuần tra huấn luyện chung với hải quân Mỹ và tập trận với các nước trong khu vực.
Vượt lằn ranh đỏ
Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada trong bài phát biểu ngày 15-9 tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington - Mỹ.
Theo Reuters, bà Inada khẳng định sự tăng cường cam kết của Tokyo ở biển Đông - khu vực mà Mỹ và Nhật cùng chia sẻ quan ngại về các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc - sẽ bao gồm việc hỗ trợ xây dựng năng lực phòng vệ cho các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Theo nữ bộ trưởng mới nhậm chức hơn 1 tháng, nếu thế giới dung thứ những hành vi cố tình thay đổi phán quyết và để tình trạng “bẻ cong luật pháp” xảy ra, “hậu quả có thể sẽ ở mức toàn cầu”.
Hoan nghênh kế hoạch bố trí 60% lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ tới châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020, bà Inada chỉ rõ những hành động gần đây của Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông đang gây quan ngại nghiêm trọng vượt ra ngoài khu vực. “Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực quốc phòng và duy trì cũng như tăng cường liên minh Nhật - Mỹ” - Bộ trưởng Inada nhấn mạnh.
Đây là động thái mới nhất củng cố lập trường rõ ràng của Tokyo xuyên suốt thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đó là Lực lượng Phòng vệ nước này (SDF) sẽ “can thiệp nhiều hơn và trợ giúp gần gũi hơn với Mỹ”, theo GS Nancy Snow - chuyên gia về ngoại giao công chúng tại Trường ĐH Kyoto (Nhật Bản).
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản được cho là sẽ chọc giận Trung Quốc. Hồi tháng 6, Bắc Kinh cảnh báo SDF tránh xa biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa nói với một quan chức cấp cao Nhật Bản rằng Tokyo sẽ “vượt qua lằn ranh đỏ” nếu tham gia tuần tra tự do hàng không, hàng hải ở biển Đông, theo Japan Times.
Chờ bầu cử Mỹ
Sự nhất quán của Nhật Bản có phần trái ngược với những thay đổi khó lường gần đây của một đồng minh khác của Mỹ là Philippines. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi đầu tuần bất ngờ tuyên bố sẽ không tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông sau khi đòi lực lượng Mỹ đang hỗ trợ quân đội sở tại chống khủng bố ở tỉnh Mindanao phải rút về nước.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 15-9 thậm chí còn thẳng thừng “sửa lưng” Washington ngay trên đất Mỹ. Phát biểu tại CSIS, dù tuyên bố cam kết chắc chắn về mối quan hệ đồng minh giữa Philippines với Mỹ, ông Yasay nhấn mạnh Philippines không cần dạy bảo về nhân quyền và nước này “không thể mãi là chú em da nâu của Mỹ”.
Vị ngoại trưởng dùng cụm từ mà người Mỹ gọi người Philippines bản địa trong thời kỳ Philippines là thuộc địa của Mỹ để thể hiện rõ rằng nước này cần sự tôn trọng. Theo báo Guardian, Ngoại trưởng Yasay khẳng định Philippines không chấp nhận những chỉ trích ngoại bang nhằm vào chiến dịch truy quét ma túy do Tổng thống Duterte phát động.
Về vấn đề biển Đông, ông Yasay khẳng định với giới chức tham dự diễn đàn tại CSIS rằng Philippines sẽ theo đuổi đối thoại chính thức với Trung Quốc dù hai bên vẫn tồn tại bất đồng. Tuy nhiên, ông cho biết Philippines chưa sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận với Trung Quốc.
“Chúng tôi không thể tiến hành các cuộc gặp song phương khi Trung Quốc nói chỉ đàm phán bên ngoài cơ cấu phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)” - ông Yasay cho hay, đồng thời nhấn mạnh lập trường của Philippines là chỉ đối thoại trong khuôn khổ phán quyết của PCA đưa ra hồi tháng 7 (trong đó bác bỏ hoàn toàn “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên biển Đông).
Ngoại trưởng Yasay đến Mỹ từ ngày 13-9 để hội đàm với các lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và tham dự cuộc họp lần thứ 71 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, trang tin Asian Times ngày 15-9 nhận định Bắc Kinh đang chờ thời điểm hoàn hảo để “mạnh tay” ở bãi cạn Scarborough (chiếm của Philippines từ năm 2012). Giới chức Mỹ cho rằng thời điểm tốt nhất có thể vào những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ bởi khi đó, báo giới Mỹ sẽ không hy sinh trang nhất để nói về Trung Quốc.
Bình luận (0)