Ông Henry Sokolski, giám đốc điều hành của Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đưa ra nhận định trên trong buổi điều trần tại Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ ngày 10-7. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo nhà máy tái chế nêu trên đi vào hoạt động sẽ vấp phải sự phản ứng từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân Rokkasho ở tỉnh Aomori dự kiến hoạt động trong tháng 10-2014 có thế giúp Nhật có đủ lượng plutonium để chế tạo bom nguyên tử. Ảnh: ASAHI
Theo ông Sokolski, đó là động thái “xúc phạm đến Seoul” và chính quyền Mỹ khá “liều lĩnh” khi để cho Tokyo tiến hành tái xử lý nhiên liệu hạt nhân trong khi ngăn cấm Hàn Quốc làm như vậy với thỏa thuận hợp tác hạt nhân song phương được hai nước ký năm 1974.
Vị giám đốc Trung tâm này đề nghị chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama làm việc lại với Tokyo về thỏa thuận hợp tác hạt nhân song phương.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân Rokkasho ở tỉnh Aomori bắt đầu hoạt động vào tháng 10-2013 nhưng bị trì hoãn vì các quy định về bảo đảm an toàn. Đại diện nhà máy cho biết sẽ chính thức vận hành vào tháng 10 năm nay. Điều này gần như chắc chắn sẽ khiến Hàn Quốc và Trung Quốc có động thái phản ứng.
Trong năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã bí mật triển khai một bản báo cáo nội bộ về khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Báo cáo này dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong chính quyền Washington. Theo đó, Tokyo chi từ 2-3 tỉ USD cho việc phát triển vũ khí này.
Bình luận (0)