Khi Tổng thống (TT) Mỹ thứ 43 George W. Bush nhậm chức hồi năm 2001, nhân viên của ông không khỏi sửng sốt vì nhận thấy toàn bộ phím chữ W trên máy tính trong Nhà Trắng đều biến mất.
Như bãi chiến trường
Theo tiết lộ của một trợ lý Nhà Trắng, phần lớn phím chữ cái W - vốn là tên đệm của tân TT - đều có dấu hiệu bị gỡ ra. Một số được tìm thấy dán trên đỉnh những cánh cửa ra vào cao hơn 3,5 m hoặc bị dán chặt bằng keo siêu dính với đủ tư thế ngược, xuôi.
Trong khi đó, tường nhà vệ sinh nam đầy những “tác phẩm” graffiti mang nội dung xúc phạm tân chủ nhân Nhà Trắng. Tủ hồ sơ thì đầy những miếng giấy in chữ “Bỏ tù kẻ cắp” - ám chỉ ông Bush đã “đánh cắp” cuộc bầu cử năm 2000 mà chiến thắng được định đoạt chỉ với 537 phiếu chênh lệch ở bang Florida.
Chưa hết, nhiều đường dây điện thoại trong Tòa Bạch ốc bị cắt, các hộp tin nhắn thoại phát lời chào tục tĩu. Bà ngoại một nhân viên của ông Bush gọi điện tới văn phòng đã phát hoảng khi nghe lời chào kinh khủng này từ máy trả lời tự động. Những đường dây điện thoại khác bị gắn loạn xạ giữa các phòng, ban. Tủ lưu giữ hồ sơ bị dán chặt, còn máy in găm đầy ảnh khiêu dâm kèm các slogan bậy bạ. Bàn ghế bị lật tung, rác vụn ngổn ngang khắp nơi trong những văn phòng mà trước đó không lâu còn là nơi làm việc của nhân viên chính quyền ông Bill Clinton.
Sau cuộc điều tra kéo dài cả năm, Văn phòng Tổng Kiểm toán (GAO) thuộc Quốc hội Mỹ khẳng định “bãi chiến trường” nêu trên là hành vi phá hoại, trộm cắp và chơi khăm xảy ra trong thời kỳ chuyển giao TT. Chi phí khắc phục thiệt hại lên tới 14.000 USD, trong đó riêng tiền thay các phím máy tính bị mất đã chiếm 4.850 USD.
Truyền thông địa phương gọi đây là “món quà” của chính quyền tiền nhiệm. Theo The New York Times, hạ nghị sĩ Cộng hòa Bob Barr ở bang Georgia, vốn rất ác cảm với ông Clinton, cho rằng chính quyền của vị TT thứ 42 hành xử với Nhà Trắng còn “tệ hơn lũ trẻ hư”. Tuy nhiên, sau hàng trăm cuộc thẩm vấn các nhân viên Nhà Trắng, báo cáo điều tra của GAO không khỏi khiến chính quyền Bush thất vọng vì không thể xác định được thủ phạm rõ ràng.
Giới chức GAO cho biết những trò chơi khăm tương tự cũng từng được ghi nhận nhiều lần, trong đó có cuộc chuyển giao từ thời của cha ông Bush, TT Mỹ thứ 41 George H.W. Bush, sang thời ông Clinton năm 1993. “Chúng tôi không thể kết luận liệu cuộc chuyển giao năm 2001 có tệ hơn những cuộc đổi chủ của Nhà Trắng trước đó hay không” - GAO thừa nhận. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây là một trong những cuộc chuyển giao trắc trở nhất trong Nhà Trắng, theo BBC.
TT Clinton lúc đó đã mời ông Bush uống cà phê trước lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Tuy nhiên, ông Clinton đã để ông Bush phải chờ tới 10 phút dù biết rõ thói quen đúng giờ luôn ám ảnh tân TT - người nổi tiếng với câu chuyện khóa cửa phòng họp nội các đúng giờ bắt đầu và không cho phép bất cứ ai vào dù chỉ đi trễ giây lát. Dường như để “tỏ thêm thái độ”, ông Clinton còn mời cả Phó TT Al Gore - đối thủ không đội trời chung của ông Bush trong cuộc bầu cử mới chỉ khép lại sau một cuộc chiến pháp lý kịch tính liên quan tới chuyện kiểm phiếu ở bang Florida.
Giai đoạn “địa ngục”
Theo trang New Republic, ông Clinton cũng đã phải nếm trải thời kỳ chuyển tiếp đầy rắc rối trong vấn đề nội các, thậm chí còn hơn cả TT Mỹ đương nhiệm Donald Trump. “Quá trình chuyển giao chính quyền của ông Clinton trắc trở một cách cá biệt bởi tới giữa tháng 12, ông mới chọn được chánh Văn phòng Nhà Trắng” - GS John P. Burke, ĐH Vermont, nhận xét.
Cuối cùng, ông Clinton chọn người bạn thuở thiếu thời Thomas McLart. Vị doanh nhân đến từ bang Arkansas không có chút kinh nghiệm ở Washington này đã “dừng chân” ngay trong năm thứ hai của chính quyền Clinton.
Trang Vox cho biết cuộc đổi chủ năm 1992-1993 ở Nhà Trắng vẫn thường được dẫn chứng như bài học về những điều không nên làm trong một cuộc chuyển giao. Ngay cả những người làm việc trong chính quyền nhiệm kỳ đầu tiên của vị TT thứ 42 cũng đánh giá đó là một giai đoạn thiếu tập trung và thiếu kỷ luật. Thư ký báo chí của ông Clinton, bà Dee Dee Myers, thậm chí còn gọi đó là giai đoạn “địa ngục”. Trong hồi ký của mình, ông Clinton thừa nhận đã “dành quá nhiều thời gian cho nội các mà lơ là đội ngũ nhân viên Nhà Trắng”.
Một trong những thất bại bẽ bàng nhất của ông Clinton là lựa chọn bà Zoë Baird cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã bị loại bỏ ngay trước ngày ông nhậm chức. Nữ luật sư đã tự rút lui sau khi bị phanh phui chuyện bà thuê một số nhân viên nước ngoài bất hợp pháp và “quên” đóng thuế an sinh xã hội cho hoạt động này.
Đề cử tiếp theo của ông Clinton cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp là bà Kimba Wood cũng bất thành vì lý do tương tự. Vị tân TT dường như quyết tâm tìm bằng được một “bóng hồng” cho chiếc ghế nóng của Bộ Tư pháp và cuối cùng, Tổng Chưởng lý bang Florida Janet Reno đã nhậm chức vào ngày 12-3-1993.
Trong khi đó, Chủ tịch Chiến dịch tranh cử Mickey Kantor - nhân vật được ông Clinton chọn đứng đầu kế hoạch chuyển giao vốn bắt đầu ngay sau đại hội Đảng Dân chủ - đã văng khỏi vị trí này ngay sau ngày bầu cử. Theo The New York Times, ông Kantor sớm mất chỗ đứng vì quan hệ cá nhân không đủ gần gũi với ông Clinton và cũng không được lòng đồng nghiệp.
Việc vận hành nỗ lực chuyển giao giằng co giữa Washington và quê nhà Little Rock của ông Clinton được cho là khởi nguồn của rắc rối. Lực lượng ở thủ đô vốn có liên hệ với những nhân vật chính trị mà sự ủng hộ của họ cực kỳ cần thiết cho một chính quyền thành công. Thế nhưng, rốt cuộc họ cay đắng nhận ra những quyết định cuối cùng lại được định đoạt ở quê nhà của tân TT.
Kỳ tới: Giết chết tình bạn
Đối đầu dai dẳng
Theo bà Barbara Perry, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu TT thuộc ĐH Virginia (Mỹ), giữa 2 nhà Clinton và Bush vốn đã có cuộc đối đầu dai dẳng và phức tạp trên đấu trường chính trị.
Ông Clinton chính là người đánh bại cha ông George W. Bush trong cuộc bầu cử vào năm 1992. Trong chiến dịch tranh cử năm 2000, ông Bush (con) khẳng định sẽ khôi phục danh dự và sự liêm chính cho Phòng Bầu dục - một tuyên bố được cho là chứa đựng rất nhiều căng thẳng nhằm trực tiếp vào những gì ông Clinton đã làm trong Nhà Trắng.
Bình luận (0)