Đây là con số cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ vào tháng 1-2020. Các bang Arizona, Florida, South Carolina, California và Texas đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng. May mắn là cho đến nay số ca tử vong chưa tăng cao trở lại, có thể một phần là do làn sóng mới dường như nhắm đến những người trẻ tuổi hơn.
Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian và số người chết rất có thể sẽ sớm tăng lên.
Châu Âu, nơi hầu hết các nước gần như kiểm soát được đại dịch, đang nhìn Mỹ với sự kinh hoàng. Liên minh châu Âu (EU) đã loại Mỹ ra khỏi danh sách được nhập cảnh sau khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại vào ngày 1-7.
Canada có thể sẽ đóng hầu hết biên giới với Mỹ khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào ngày 21-7. Nếu Mỹ không thể xoay chuyển được tình thế, đất nước này sẽ đánh mất vị trí trung tâm của trật tự quốc tế và sự tin tưởng.
Lý do Mỹ dính đòn làn sóng Covid-19 thứ 2 khá rõ ràng. Giai đoạn phong tỏa vốn là thời gian để các chính phủ thiết lập nhiều quy trình chống dịch chi tiết hơn để ngăn chặn virus hiệu quả. Khi mức độ lây nhiễm giảm đến mức có thể kiểm soát được và hệ thống xét nghiệm - theo dõi - cách ly được thực hiện tốt, các nước có thể khôi phục đời sống bình thường và một số nước đã làm được điều này.
Dù đây là một bước đi mạo hiểm và lệnh phong tỏa mới có thể trở nên cần thiết, ví dụ như khi dịch bùng phát lần 2 tại Trung Quốc và những nơi khác, nhưng nó vẫn khả thi.
Mỹ là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump thậm chí còn không thử làm điều này ở cấp quốc gia. Mỹ không thể thực hiện chiến lược đơn giản nhất là bắt buộc đeo khẩu trang rộng rãi bên trong bất kỳ không gian kín nào.
Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng của Mỹ dành hàng tuần cho những thí nghiệm khoa học kỳ lạ để phản đối việc đeo khẩu trang trong khi một nghiên cứu nhiều năm trước đã cho thấy ngay cả những loại khẩu trang rẻ tiền tự làm cũng có thể giảm các bệnh lây nhiễm từ giọt bắn.
Thế nhưng ngay cả khi rất nhiều bằng chứng đã xuất hiện, ông Trump và hầu hết thành viên đảng Cộng hòa vẫn liên tục nhấn mạnh đeo khẩu trang là lựa chọn cá nhân.
Đến nay, New York là bang có tình trạng bùng phát dịch tồi tệ nhất nước Mỹ vì Thống đốc Andrew Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio đã hành động chậm chạp trong những giai đoạn ban đầu. Họ là ví dụ minh họa cho những đặc trưng của các chính trị gia Mỹ: đổ lỗi.
Khi đối mặt với một vấn đề, thứ đầu tiên mà hầu hết các chính trị gia hàng đầu của cả 2 đảng nghĩ đến là đổ lỗi cho người khác hoặc đóng vai nạn nhân. Việc ngăn chặn dịch bệnh từ giai đoạn đầu cần nhiều biện pháp quyết liệt trước khi nhiều người có thể nhận ra sự cần thiết của nó. Vì vậy, các chính trị gia buộc phải thể hiện quyền lực theo một cách khiến người dân tức giận và giải thích lý do một cách cẩn thận.
Một cách khác dễ dàng hơn cho giới lãnh đạo là đợi dịch bệnh bùng phát và danh chính ngôn thuận áp dụng lệnh phong tỏa mà không sợ bị phản đối. Nhưng sự chậm trễ và hèn nhát này đã giết chết hàng chục ngàn người.
Chỉ một số thống đốc bang, ví dụ như ông Jay Inslee của bang Washington, thật sự lắng nghe các nhà khoa học và phản ứng nhanh.
Những người biểu tình phản đối đeo khẩu trang ở Mỹ. Ảnh: AP
Giờ đây rất nhiều bang đang trong giai đoạn bùng dịch tăng cao và một lần nữa các chính trị gia lại ngồi yên chờ đợi thay vì đi trước đón đường. Hồi tháng 5, nhiều chuyên gia đã cảnh báo Thống đốc bang California Gavin Newsom rằng ông mở cửa trở lại quá sớm nhưng dưới áp lực của những người không thích lệnh phong tỏa, ông Newsom vẫn phớt lờ.
Nay hành động này đã phản tác dụng khi bang California có số ca nhiễm mới tăng kỷ lục trong cả 2 ngày 22 và 23-6. Lúc này ông Newsom mới đe dọa một cách muộn màng rằng các hạt không tuân theo các chỉ dẫn kiểm soát đại dịch có thể mất tiền hỗ trợ của bang.
Bình luận (0)