Từ những cửa hàng bách hóa mang tính biểu tượng đến những gã khổng lồ trong ngành giải trí, đại dịch Covid-19 dường như không bỏ sót bất cứ ai trong hành trình tàn phá nền kinh tế Mỹ.
Nhu cầu tiêu dùng giảm sút, chi tiêu giải trí bị cắt giảm, cùng với lệnh yêu cầu người dân ở nhà buộc nhiều doanh nghiệp đóng cửa, tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến ngành bán lẻ vốn đã chật vật trong nhiều năm qua khi người tiêu dùng ngày càng chuộng hình thức mua sắm trực tuyến. Ngay cả khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần tái mở cửa giữa lúc lệnh phong tỏa bắt đầu được gỡ bỏ, các biện pháp giãn cách xã hội có thể phải tiếp diễn trong nhiều tháng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các ngành bán lẻ và nhà hàng. Với một số doanh nghiệp, những sự thay đổi tạm thời này có thể gây ra những vấn đề lớn hơn.
Theo đài NBC News, phá sản không có nghĩa là một công ty sẽ ngừng hoạt động bởi nó giống một quá trình tái cấu trúc tài chính hơn. Dù vậy, thực trạng này báo hiệu nhiều thay đổi sắp diễn ra. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt công ty lớn ở Mỹ đã tuyên bố phá sản, trong đó có những cái tên như Dean & Deluca, CMX Cinemas, 24 Hour Fitness, CEC Entertainment…
Trong khi đó, chuỗi cà phê nổi tiếng Starbucks dự báo họ có thể mất 3 tỉ USD doanh thu trong quý III của năm tài chính hiện tại vì Covid-19. Dự báo của họ về tăng trưởng doanh số bán cùng cửa hàng thậm chí còn ảm đạm hơn. Trong cả năm tài chính này, Starbucks ước tính doanh số bán cùng cửa hàng tại 2 thị trường lớn nhất của họ - Mỹ và Trung Quốc - giảm 10%-20%. Chuỗi cà phê này cũng đã dự đoán mức tăng trưởng "phẳng" và "âm" đối với doanh số bán cùng cửa hàng lần lượt ở Trung Quốc và Mỹ đến cuối quý IV của năm tài chính hiện tại.
Tương lai của Airbus đang bị đe dọa khi dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho ngành hàng không Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, Starbucks cũng có ý định đóng 400 cửa hàng trong 17 tháng tiếp theo nhằm đẩy nhanh tốc độ sửa đổi đối với các cửa hàng ở Mỹ. Trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiêu dùng đặt hàng qua ứng dụng, công ty đã lên kế hoạch điều chỉnh cửa hàng trong 3-5 năm tiếp theo nhưng phải hoãn vì đại dịch Covid-19.
Inditex, công ty mẹ của Zara, Massimo Dutti cùng những thương hiệu thời trang nổi tiếng khác, cũng đang thực hiện kế hoạch đóng cửa 1.000-1.200 cửa hàng trong 2 năm tới vì dịch Covid-19. Cùng lúc, tập đoàn thời trang đa quốc gia này thông báo kế hoạch đầu tư gấp đôi vào thương mại điện tử, rót 1 tỉ USD vào nền tảng online trong 3 năm tới để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng, dự kiến chiếm 25% trong các giao dịch kinh doanh của họ đến năm 2022.
Theo giới chuyên gia, kể cả khi các cửa hàng đã bắt đầu mở cửa lại, giai đoạn này nhiều khả năng gây tác động dài hạn đối với cách thức mua sắm của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ nên chuẩn bị cho điều đó. Ngoài chuyện một số khách hàng có thể sợ quay lại cửa hàng, sự thiếu vắng vắc-xin phòng Covid-19 cũng đồng nghĩa rủi ro về làn sóng lây nhiễm mới vẫn còn đó. Chưa kể, nhiều khách hàng trở nên quen thuộc hơn với hình thức mua sắm trực tuyến trong thời Covid-19 và quyết định gắn bó với nó sau khi đại dịch kết thúc.
Trong khi đó, tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới của châu Âu Airbus hôm 30-6 công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 15.000 việc làm, đồng thời khẳng định tương lai của họ đang bị đe dọa khi Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho ngành hàng không. Airbus cho biết họ sẽ cắt khoảng 5.000 việc làm ở Pháp, 5.100 ở Đức, 900 ở Tây Ban Nha, 1.700 ở Anh và 1.300 ở những nơi khác.
Bình luận (0)