Như vậy có nghĩa là sự hoán đổi này đến sớm hơn rất nhiều so với những dự báo trước đấy. Nhìn vào những dữ liệu liên quan được UNFPA công bố còn có thể thấy được ba điều rất đáng chú ý nữa.
Thứ nhất, Ấn Độ không những chỉ vượt Trung Quốc về dân số mà khoảng cách giữa hai nước này về dân số sẽ gia tăng, ít nhất cho tới khi Ấn Độ đạt tới đỉnh điểm về gia tăng dân số vào năm 2070 như dự báo của UNFPA.
Thứ hai, Trung Quốc lần đầu tiên kể từ hơn 60 năm nay không tăng dân số, thậm chí còn giảm, trong khi Ấn Độ tiếp tục tăng dân số cho dù mức tăng có giảm đi.
Thứ ba, Ấn Độ có người trẻ tuổi đông hơn người cao tuổi còn Trung Quốc thì ngược lại.
Tăng dân số là tăng nguồn nhân lực mà mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều cần để bảo đảm phát triển thịnh vượng bền vững cả ở hiện tại lẫn trong tương lai.
Nguồn nhân lực lao động dồi dào trong thời gian dài đã giúp Trung Quốc được mệnh danh là "công xưởng của thế giới" và đóng góp rất quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế nước này đã đạt được. Cho nên rồi đây Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc cả trên phương diện lợi thế cạnh tranh này.
Trung Quốc sẽ càng thêm bị bất lợi nếu doanh nghiệp các nước phương Tây chuyển dịch hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh ra khỏi nước này do phương Tây không hài lòng với chính sách của Bắc Kinh hoặc do căng thẳng và đối kháng giữa hai bên.
Đám đông bên ngoài một cửa hàng bán lẻ của hãng Apple (Mỹ) trong ngày khai trương ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ hôm 20-4 Ảnh: REUTERS
Ấn Độ sẽ được các đối tác bên ngoài coi trọng và ưu tiên hơn trước. Đối với họ, không có thị trường nào khác trên thế giới ngoài Ấn Độ có thể thay thế được tốt nhất thị trường Trung Quốc.
Vị thế của Ấn Độ cũng sẽ thay đổi trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc, trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và trong nhóm BRICS mà 2 nước này đều là thành viên. Đấy là khía cạnh lượng biến thành chất.
Nhưng trong trường hợp Ấn Độ, lượng không thể tự nhiên và tự khắc biến thành chất. Để lượng biến thành chất, Ấn Độ cần thời gian và phải giải quyết ổn thỏa rất nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn và nhạy cảm.
Sự phân hóa giữa giàu và nghèo, giữa phát triển và lạc hậu trong dân chúng và giữa các vùng trong nước hiện vẫn còn rất rõ và lớn. Giáo dục và y tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường sinh thái vẫn là những vấn đề cấp thiết chưa được giải quyết ổn thỏa và lâu bền.
Đông dân hơn thì nhu cầu về tạo thêm công ăn việc làm cũng gia tăng và việc đáp ứng nhu cầu này cũng thêm khó.
Những lợi thế có ý nghĩa chiến lược lâu dài từ đông dân sẽ không thể được tận dụng và phát huy nếu như những vấn đề nói trên không được nhanh chóng giải quyết.
Nếu những vấn đề đi cùng với tăng dân số không được giải quyết kịp thời và thỏa đáng thì tăng dân số sẽ nhanh chóng trở thành gánh nặng đối với đất nước, đồng thời tiềm ẩn không ít thách thức về chính trị, xã hội, an ninh và ổn định. Ở đây có chuyện lượng cần phải được làm cho biến thành chất.
Bởi thế, nếu New Delhi thành công với việc biến lượng thành chất, dân số Ấn Độ có thể tạo nên cú hích quyết định mới cho phát triển và hội nhập quốc tế, khích lệ và tạo tiền đề thuận lợi cho nước này có thể vươn lên mạnh mẽ trở thành cường quốc châu lục.
Bình luận (0)