Tại Trung Quốc, bàn tiệc là nơi dễ giao tiếp nhất cho nên nhiều việc công và tư thường bắt đầu và kết thúc bằng bữa tiệc rượu. Theo nhật báo Pháp Le Figaro, mỗi năm Trung Quốc phải tiêu tốn 50 tỉ euro cho các bữa tiệc với mục đích thắt chặt quan hệ đối tác trong giao dịch của các cơ quan nhà nước.
Một cơ sở sản xuất bạch tửu, loại rượu thường được giới công chức Trung Quốc dùng trong các buổi tiệc. Ảnh: AP
Giám đốc một công ty chuyên tư vấn và đào tạo các doanh nhân Pháp đang làm việc tại Trung Quốc Valérie Tamman cho rằng các bữa tiệc bắc cầu cho quan hệ đối tác, giúp họ hiểu nhau hơn chứ không hẳn họ bàn công việc trên bàn nhậu.
Uống tới chết
Việc chiêu đãi khách trong quan hệ làm ăn có truyền thống từ hàng ngàn năm ở Trung Quốc, trong đó thực khách yêu cầu nhau phải cạn chén để bày tỏ sự nhiệt tình, thành thực và thể hiện tình đoàn kết. Nhật báo China Daily (Trung Quốc) gần đây nêu trường hợp bi kịch của bí thư thôn Tiểu Cương thuộc huyện Phượng Dương của tỉnh An Huy là ông Thẩm Hào, 46 tuổi.
Ông này chết do uống quá say sau tiệc rượu đêm hôm trước mừng việc ký kết 3 hợp đồng bất động sản. Hồi tháng 7, một quan chức thủy cục ở thành phố Vũ Hán là ông Kim Quốc Thanh (47 tuổi) cũng thiệt mạng sau một bữa tiệc chiêu đãi quan chức. Khám nghiệm cho thấy ông này chết vì một cơn đau tim do uống rượu quá nhiều.
Mỗi tiệc nhậu hầu như có quy định sẵn, theo đó, trước khi vào tiệc mỗi người phải cạn ly. Bà Tamman cho biết loại rượu các công chức thường dùng là bạch tửu - loại rượu trắng làm từ gạo mà nồng độ cồn có khi lên đến 65 độ. Rượu này rất nặng nhưng mọi người cứ ép nhau phải uống.
Vấn đề là không chỉ có một ly chào sân mà các thực khách ép nhau uống suốt buổi tiệc. Một doanh nhân trẻ người Pháp làm việc ở Bắc Kinh từ năm 2006 đến nay là Nathaniel Farouz nói rằng có khi mỗi người uống hơn 20 ly chỉ trong vòng một giờ - khi thì nâng ly chung vui với cả bàn tiệc, khi thì người này cụng ly riêng với người kia.
Tuy nhiên, ông Farouz cũng ghi nhận khía cạnh tích cực hiếm hoi là sau các bữa nhậu với các đối tác Trung Quốc, quan hệ hai bên đã được phát triển rõ rệt.
Một dạng tham nhũng
Nhiều doanh nhân nước ngoài nhìn thấy dạng điển hình khác của nạn tiệc tùng là khi các phái đoàn từ Bắc Kinh xuống kiểm tra các cơ sở sản xuất ở địa phương. Có thể mọi chuyện làm ăn đều ổn nhưng các thành viên đoàn kiểm tra phải được ăn ngon, uống say như một cách tạ ơn chính quyền. Chưa kể trường hợp đoàn kiểm tra không để yên nếu không được tiếp đãi đúng mực.
Dưới mắt người nước ngoài, đây là một dạng tham nhũng. Một công chức ở Thiên Tân giấu tên nói rằng đi nhậu với các quan chức là một phần không thể thiếu trong công việc của ông ta. Ông này nói: “Tất nhiên, người ta có thể không uống rượu nhưng như vậy sẽ rất khó khi bàn công việc với các viên chức khác. Nhậu là quy định không nói ra của công việc làm ăn”.
Hồi năm 2005, nhóm quay phim Strip Tease của đài truyền hình Pháp France 3 đã ghi hình một bữa nhậu linh đình, trong đó, một quan chức cấp tỉnh chiêu đãi một nhà đầu tư Pháp là Yves Cathala. Ông Cathala nhận định sau đó: “Không phải tất cả người Trung Quốc đều nghiện rượu. Đơn giản là họ có tinh thần hiếu khách và tôn trọng một số truyền thống của mình. Tôi đã dự nhiều tiệc nhậu ở Pháp và thấy ở đó có khi còn tồi tệ hơn nhiều”.
Tuy nhiên, bà Tamman ghi nhận rằng trong vòng 5 năm qua, tệ nạn nhậu nhẹt đã giảm đi nhiều và nhận thức về chuyện cần phải ăn nhậu của doanh nhân và quan chức Trung Quốc cũng đã thay đổi, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều tỉnh đã có quy định cấm công chức uống rượu trong bữa ăn trưa. Từ 20 năm nay, chính quyền đã đẩy mạnh chiến dịch giới hạn tiệc tùng trong cơ quan nhà nước.
Bình luận (0)