Kỳ thi công chức ở Trung Quốc sẽ tổ chức vào ngày 24-11 tới. Cuộc đua căng thẳng này đang mở rộng đường làm ăn cho hơn 2.000 lò luyện thi.
“Kỹ nghệ” thi cử
Không chỉ tự ca ngợi về chất lượng giáo viên, mức độ dự đoán chính xác dạng câu hỏi, các lò luyện thi còn khoe khá rành rẽ những mánh khóe trong bài thi, giúp học viên giành được kết quả cao nhất.
Một cơ sở khác là Hoa Đồ thu hút học viên bằng cách cung cấp khóa học 66 ngày với giá 45.800 nhân dân tệ và cam kết khả năng đậu là 52%. Theo những gì Hoa Đồ thông báo trên trang web, học viên sẽ được học ở... khách sạn để bảo đảm sự tập trung.
Theo Thời báo Hoàn cầu, gần 7 triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm và tình trạng khan hiếm việc làm, nhất là những vị trí tốt, khiến tỉ lệ cạnh tranh để có chân trong bộ máy nhà nước ngày càng tăng cao, từ 1 chọi 10 vào năm 2001 lên 1 chọi 92 vào năm 2011. Tỉ lệ này năm nay là 1 chọi 72.
“Khôn ngoan, mềm mỏng và an toàn”
Sau vòng phỏng vấn, các thí sinh thi tuyển công chức cấp quốc gia sẽ phải vượt qua 2 kỳ thi trắc nghiệm và viết luận. Trong 2 giờ, thí sinh phải hoàn thành từ 140 - 150 câu hỏi về đủ loại lĩnh vực như toán học, logic, kỹ năng đọc hiểu…
Ngoài việc “nhồi nhét” vô vàn kiến thức, các lò luyện thi còn truyền nhiều mánh khóe và thủ thuật - những thứ không bao giờ được nhắc tới trong các tài liệu công khai. Một giáo viên của Hoa Đồ khuyên thí sinh không nên đọc quá nhiều bài viết của các nhân vật cực tả hoặc cực hữu vì lâu dần “sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng”. Trong thời gian ôn thi, học viên chỉ được xem bình luận tin tức trên Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và đọc những tờ báo chính thống như Nhân dân Nhật báo. Ngoài nhận thức chính trị, thí sinh cần rèn luyện khả năng giải quyết các mối quan hệ với cấp trên sao cho hợp lý nhất. Họ được khuyên phải luôn hành động khôn ngoan, mềm mỏng và an toàn.
La Thành, một sinh viên ngành luật ở Trường ĐH Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây, cho biết anh đã 3 lần trượt kỳ thi tuyển công chức ở cả cấp quốc gia và địa phương. Giờ đây, La Thành nói “cày cuốc” ở lò luyện thi là rất cần thiết. Tuy nhiên, năm nào báo chí cũng phanh phui một số lò luyện thi “nổ” quá trớn về chất lượng giáo viên, ví dụ như quảng cáo người luyện thi đều là giáo sư của những đại học danh tiếng, nhiều kinh nghiệm, thậm chí là người soạn đề thi. Thế nhưng, theo quy định, những người tham gia soạn đề không được phép luyện thi ở bất cứ cơ sở nào trong vòng 5 năm sau đó.
Bình luận (0)