Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu hệ thống chính trị của ta trong khi quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mỹ còn tồn tại khác biệt. Đứng trên phương diện đó, có thể nói chuyến thăm này có thể tạo ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác về mặt chính trị giữa 2 bên, từ đó mở ra cơ hội hợp tác rất lớn cho quan hệ song phương.
Mỹ đã nhiều lần khẳng định họ tôn trọng một nước Việt Nam độc lập, thịnh vượng, dân chủ. Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama năm 2013 đã nói 2 bên tôn trọng độc lập, chủ quyền và hệ thống chính trị của nhau.
Khi tôn trọng hệ thống chính trị của nhau, cả Việt Nam và Mỹ đều đã thấy 2 bên cần hợp tác về mặt chính trị. Việc chính quyền Mỹ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm cũng bao gồm những vấn đề khác song điểm nhấn là về chính trị. Điều này chứng tỏ bên cạnh việc tôn trọng, 2 nước mà có thể có cơ chế hợp tác với nhau, có thể đàm phán để giải quyết vấn đề dân chủ, nhân quyền và hệ thống chính trị. Đã qua giai đoạn những khác biệt về chính trị dẫn đến xung đột, đổ vỡ. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn có thể ngồi nói chuyện với nhau để đi đến một sự thống nhất, hợp tác.
Từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện, như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói, không có 2 nước nào nỗ lực hơn, làm được nhiều hơn và làm được tốt hơn để cố gắng xếp lại quá khứ, hướng đến tương lai như Việt Nam và Mỹ. Đối với Mỹ, Việt Nam là một quốc gia đặc biệt ở châu Á mà Mỹ rất muốn thắt chặt quan hệ. Trước tiên, thị trường không hề nhỏ với 100 triệu dân, với tốc độ phát triển kinh tế thuộc mức cao trong khu vực chính là cơ hội đầu tư rất lớn cho các công ty Mỹ. Bên cạnh yếu tố kinh tế đủ lớn, sức mạnh dân tộc đủ lớn, Việt Nam còn là một quốc gia ổn định về chính trị, an ninh - trật tự; dù hệ thống chính trị còn khác biệt với Mỹ nhưng là quốc gia có tổ chức, có thể làm được những việc lớn.
Điều quan trọng thứ hai nằm trong chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á. Việt Nam và Mỹ chia sẻ những quan điểm về an ninh của khu vực. Mỹ có lợi ích trong việc duy trì một môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và làm thành một trong những mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó rất phù hợp với đường lối, mục tiêu phát triển của Việt Nam hiện nay. Mặc dù lợi ích của Mỹ ở châu Á bao trùm rất rộng lớn song Việt Nam là đối tác Mỹ rất cần ở Đông Nam Á. Hợp tác với nhau giúp Việt - Mỹ bảo đảm lợi ích của 2 bên cũng như của các quốc gia trong khu vực.
Mỹ là đối tác có thể góp phần giúp Việt Nam trở thành một con rồng châu Á. Thực tế cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực cất cánh được là nhờ vào Mỹ, xuất khẩu vào Mỹ, thông qua thị trường Mỹ, đầu tư Mỹ. Nếu Việt Nam ký kết được Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở đường cho hàng hóa Việt Nam vào Mỹ thì đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh.
Theo điều tra mới đây của Viện Nghiên cứu châu Mỹ, gần 50% người dân Việt Nam được phỏng vấn coi Mỹ là đối tác quan trọng nhất cần ưu tiên hợp tác, trong đó quan trọng nhất là hợp tác về kinh tế.
Bình luận (0)