Thỏa thuận đạt được sau khi Thủ tướng Shinzo Abe cam kết với Thống đốc Hirokazu Nakaima là sẽ đầu tư 2,9 tỉ USD vào nền kinh tế Okinawa mỗi năm cho đến năm 2021.
Tuy nhiên, không rõ đột phá này có xoa dịu được nỗi thất vọng của Washington đối với chuyến thăm ngôi đền tranh cãi Yasukuni của ông Abe hay không?
Chuyến thăm sáng 26-12 vấp phải chỉ trích dữ dội của Trung Quốc và Hàn Quốc. Trang tin QQ của Trung Quốc dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nếu Tokyo tiếp tục thách thức thì Bắc Kinh sẽ “chiều đến cùng”. Báo chí Trung Quốc cũng kêu gọi trả đũa thay vì chỉ “phản đối mạnh mẽ”. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng phê phán chuyến thăm trong khi nhiều nhà phân tích lo ngại Đông Bắc Á sẽ bị đẩy gần hơn đến bờ vực xung đột vì chuyện này.
Ngay cả báo chí Nhật Bản cũng không đồng tình. Tờ Mainichi nhận định chính ông Abe đã đặt trở ngại trước cánh cửa đối thoại mà ông khẳng định luôn để ngỏ cho Trung Quốc và Hàn Quốc. Tỉ lệ ủng hộ trong nước đối với ông Abe cũng có thể bị thách thức.
Nhưng đáng kể nhất là thái độ của Mỹ. Chưa bao giờ “bật” lại Tokyo song lần này Washington cũng bày tỏ “thất vọng”. Ông Michael Green, cựu cố vấn về châu Á của cựu Tổng thống George W. Bush, nói nhiều quan chức Mỹ... té ngửa về hành động của ông Abe. “Ở đây không bàn đến khía cạnh đạo đức. Mỹ thất vọng vì Tokyo lệch khỏi quỹ đạo gắn kết đồng minh vào thời điểm then chốt” - ông Green bình luận.
Mỹ lo nhất là 2 đồng minh lớn Hàn Quốc và Nhật Bản luôn như nước với lửa. Trong thời gian ngắn qua, cả 2 phần nào đứng chung chiến tuyến khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Vậy mà giờ đây chuyến thăm đền đã tung hê hết.
Ông Abe là thủ tướng đương nhiệm đầu tiên thăm đền Yasukuni kể từ chuyến thăm năm 2006 của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Mỹ không chỉ trích ông Koizumi nhưng với ông Abe thì khác. Ông nội của ông Abe từng bị bắt dù không bị kết án là tội phạm chiến tranh, còn bản thân thủ tướng Nhật không hề che giấu ý định tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản bằng cách củng cố sức mạnh quân sự.
Dĩ nhiên, theo các nhà phân tích, Tokyo và Washington sẽ không “nghỉ chơi” nhau. Ông Abe vẫn chia sẻ các mục đích chung với Mỹ và hào hứng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng Mỹ sẽ phải “xét lại” với ông. “Mỹ luôn muốn ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền với láng giềng song đồng thời cũng rất lo ngại về thái độ tả khuynh của Thủ tướng Abe. Điều này chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm kế hoạch của Mỹ tại châu Á” - ông Weston Konishi, một chuyên gia về châu Á, đánh giá
Bình luận (0)