Từ đối thủ thành ý trung nhân
Năm 1940, Thế chiến 2 lan khắp châu Âu, ước mơ sang Anh du học của các học sinh thuộc địa như Lý Quang Diệu tạm gián đoạn.
Ông nhận học bổng Anderson danh giá nhất nước và theo học luật tại Đại học Raffles. Cuối học kỳ đầu tiên của năm nhất, ông xếp đầu trường về môn toán.
“Nhưng tôi bàng hoàng nhận ra rằng tôi không chiếm vị trí số 1 cả môn tiếng Anh lẫn môn kinh tế. Tôi xếp sau một cô tên Kha Ngọc Chi. Tôi thất vọng và cảm thấy khó chịu”, ông Lý kể trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923 - 1965 xuất bản năm 1998.
“Tôi đã gặp cô Kha hồi năm 1939. Bấy giờ cô ấy là nữ sinh duy nhất ở trường Trung học Raffles toàn con trai. Cô Kha được hiệu trưởng mời phát phần thưởng cuối năm cho các học sinh giỏi. Lần đó, tôi nhận được từ tay cô ấy 3 quyển sách”, ông viết trong hồi ký.
Lý Quang Diệu và Kha Ngọc Chi trong những ngày ở Anh -
Ảnh: tư liệu của ông Lý Quang Diệu do báo Straits Times thu thập
Rồi cuộc chiếm đóng của người Nhật ở Singapore ập đến vào đầu năm 1942. Trường lớp đóng cửa. Bà Kha Ngọc Chi về nhà phụ giúp gia đình.
Lý Quang Diệu, con cả trong một gia đình có 4 trai 1 gái, đi làm công, rồi lao ra chợ đen buôn đủ thứ: rượu ngoại, thuốc lá, nữ trang...
Ở chợ đen, anh gặp Yong Nyuk Lin, một cựu sinh viên ở Đại học Raffles và hùn hạp với người này mở xưởng sản xuất hồ dán. Tựa như duyên trời định, em vợ ông Yong chính là cô Kha Ngọc Chi và qua tiếp xúc, tình cảm đầu đời giữa họ đã nảy sinh.
“Tháng 9-1944, chúng tôi đã trở nên đủ gần gũi để tôi mời Nyuk Lin, vợ anh ta và Ngọc Chi (từ nay tôi gọi là Chi thôi) đi dự sinh nhật thứ 21 của tôi tại một nhà hàng Tàu ở khu Great World. Đó là lần đầu tiên tôi mời nàng ra ngoài”, ông Lý viết.
Vào thời đó ở Singapore, một cô gái chấp nhận ra ngoài cùng một chàng trai, dẫu là có anh chị của cô đi cùng, thì điều đó không thể không mang một thông điệp nhất định!
Đám cưới bí mật ở Anh
Cuối năm 1945, Nhật rút khỏi Singapore, Ngọc Chi đi làm thủ thư ở Thư viện Raffles. Ngày ngày, Quang Diệu cuốc bộ đưa cô về nhà. Có lần, anh chở Chi về bằng xe máy, khiến mẹ cô nổi giận.
Gia đình cô vốn giàu có, cha làm ngân hàng, ở nhà biệt thự và có xe hơi đưa rước đến trường hằng ngày. Vì thế, ngồi sau xe máy của một người đàn ông là điều không thể chấp nhận đối với một tiểu thư như cô. “Thiên hạ sẽ nghĩ sao? Ai mà dám lấy con chứ!”, mẹ cô la mắng.
Đêm giao thừa năm 1946, Quang Diệu thổ lộ với Ngọc Chi rằng anh không có ý định quay lại Đại học Raffles để hoàn thành chương trình cử nhân luật mà sẽ đi Anh du học, và hỏi cô có thể chờ anh 3 năm.
“Chi hỏi tôi có biết Chi lớn hơn tôi hai tuổi rưỡi. Tôi nói rằng tôi biết và đã cân nhắc kỹ điều này. Khó lòng tìm được một người có cùng hoài bão với tôi như Chi. Chi nói sẽ chờ đợi tôi”, hồi ký viết.
Nhưng họ quyết định không nói với cha mẹ hai bên, bởi “quá khó để các bậc cha mẹ đồng ý một sự hứa hẹn dài đằng đẵng như vậy”.
Theo hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923-1965, đúng vào sinh nhật thứ 23 của mình, ngày 16-9-1946, Quang Diệu bước lên con tàu Britannic, rời Singapore sang Anh.
Ngọc Chi đứng trên bến cảng, nước mắt chảy dài, vẫy tay tạm biệt người yêu. Chàng trai Quang Diệu cũng không cầm được nước mắt. Vài tháng qua, họ đã quấn quýt bên nhau thật nhiều.
Cuối tháng 7-1947, tin vui từ Singapore bay sang Anh: Ngọc Chi đã giành được học bổng của nữ hoàng. Quang Diệu vui mừng khôn xiết trước viễn cảnh cùng người yêu ở Cambridge.
Nhưng lúc ấy đã quá muộn để Ngọc Chi có thể tìm được trường vì đầu tháng 10 năm học mới sẽ bắt đầu. Quang Diệu vắt giò lên cổ chạy khắp Đại học Cambridge nhờ vả.
Nhờ tài thuyết phục và lòng nhiệt thành của anh cộng với thành tích học tập sáng chói của Ngọc Chi, Hiệu trưởng trường Girton chấp nhận dành cho cô chiếc ghế dự phòng cho những trường hợp đặc biệt ở khoa luật.
Đầu tháng 10, Ngọc Chi đến Liverpool, Quang Diệu đã chờ sẵn ở bến cảng tự bao giờ. Họ lên xe lửa về London, chơi ở đó 5 ngày, rồi xuôi về Cambridge.
Hạnh phúc được ở cạnh nhau nhưng họ cũng gặp phải những trở ngại. Quang Diệu “được” một giám thị nhắc nhở rằng trường Girton không ủng hộ chuyện sinh viên nhận học bổng kết hôn ngay khi đang học.
Thế nhưng, đôi uyên ương vẫn quyết tâm kết hôn vào tháng 12-1947. “Chúng tôi quyết định lặng lẽ kết hôn vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh, và giữ bí mật. Ba mẹ Ngọc Chi sẽ vô cùng thất vọng nếu chúng tôi xin phép họ. Trường Girton có thể sẽ phản đối. Hội đồng quản trị học bổng nữ hoàng có thể sẽ gây khó khăn”, cựu thủ tướng viết trong hồi ký.
Trong kỳ nghỉ lễ, 2 người đi chơi tại Stratford-upon-Avon, quê hương đại văn hào William Shakespeare, và bí mật kết hôn sau khi thông báo cho nhân viên hộ tịch địa phương.
“Trên đường, chúng tôi ghé London, tôi mua cho Chi một chiếc nhẫn bạch kim. Sau 2 tuần ở Stratford-upon-Avon, chúng tôi trở về Cambrigde, Chi treo nhẫn vào sợi dây chuyền đeo ở cổ”.
Mặc dù đã cưới nhau, 2 người vẫn “ai ở nhà nấy”, vẫn học hành chăm chỉ. “Vào cuối tuần và một vài buổi tối khác, tôi đạp xe lên trường Girton. Ngọc Chi nấu cho tôi những món ăn Singapore bằng cái bếp gas ở đầu hè”, ông viết.
Họ tiếp tục như thế cho đến kỳ thi cuối cùng vào tháng 5-1949. Quang Diệu đoạt ngôi sao danh dự duy nhất cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khóa học. Ngọc Chi cũng xuất sắc không kém. Họ gọi điện về Singapore báo cáo thành tích học tập cho gia đình, nhưng chuyện kết hôn thì vẫn giấu biệt.
Bình luận (0)