Tờ Daily Mail hôm 13-8 cử phóng viên tới căn cứ hải quân Guam và căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam – tiền đồn quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng ngày một leo thang.
Tại đây, tất cả súng ống đều được nạp đạn. Dọc đường băng, các máy bay tiêm kích F-16 cũng trong tình trạng sẵn sàng ứng phó một khi kẻ thù xâm nhập không phận.
Mỹ trang bị rất nhiều khí tài hiện đại trên đảo Guam, bao gồm hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân trị giá 2,2 tỉ USD, tàu chiến, máy bay ném bom B-1B Lancer (mỗi chiếc giá 325 triệu USD, bay với tốc độ 1.543 km/giờ, có khả năng tiêu diệt các bệ phóng tên lửa ngầm của Triều Tiên), 7.500 tấn thuốc nổ và đạn dược…
Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Ảnh: DAILY MAIL
Hồi tháng trước, sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, 2 chiếc B-1B Lancer đã rời căn cứ không quân Andersen để bay qua bán đảo Triều Tiên nhằm phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ.
Lúc phóng viên Daily Mail tới căn cứ Andersen, một số chiếc F-16 đang diễn tập trên không. Cư dân địa phương cho biết chúng bay cao hơn so với bình thường trong những ngày gần đây.
Một nguồn tin tiết lộ Mỹ có thể sử dụng các máy bay F-22, F-35 và B-2 cùng với B-1B Lancer để đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa tiềm tàng từ phía Triều Tiên.
Mỹ còn đặt Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ không quân này. Được phát triển sau các vụ tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, THAAD đủ sức bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
Một phi công trên đảo nói với Daily Mail: "Đây là một trong những căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trên thế giới. Mọi người sẽ dồn ánh mắt vào Guam, nơi mà thậm chí họ không thể tìm thấy nó trên bản đồ. Nhưng đó là một căn cứ quan trọng".
Khoảng 7.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú trên hòn đảo, thuộc các lực lượng như Đơn vị Chiến tranh đặc biệt của hải quân Mỹ, Hạm đội tàu ngầm số 15 và lực lượng tuần duyên.
Máy bay ném bom B-1B Lancer. Ảnh: REUTERS
Tàu ngầm SSN lớp 688 đóng trên đảo Guam. Ảnh: DAILY MAIL
Người phát ngôn quân đội Greg Kuntz cho hay các quân nhân luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ. "Toàn bộ hệ thống vũ khí đã ở đây. Chúng tôi có thể vận hành bất cứ lúc nào" – ông Kuntz nói.
Đảo Guam cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hơn 3.200 km và có dân số 162.000 người. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ tấn công tiền đồn của Mỹ, tạo ra "quả cầu lửa bao quanh đảo Guam chưa từng có trong lịch sử".
Theo Daily Mail, đảo Guam trở thành một lãnh thổ của Mỹ vào năm 1898 sau cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ.
Người dân nơi đây không phải đóng thuế hoặc bỏ phiếu bầu tổng thống nhưng được cấp quốc tịch Mỹ khi chào đời.
Bình luận (0)