Bà Marine Le Pen, thủ lĩnh Đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu, hôm 1-5 tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, dự kiến diễn ra vào ngày 6-5 tới, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ mình tự đưa ra lựa chọn của họ.
Nỗ lực bất thành
Động thái này được xem là một sự chỉ trích của bà Le Pen, người gây sốc chính trường Pháp khi nhận được 18% phiếu bầu tại vòng 1 cuộc bầu cử, đối với cả Tổng thống Nicolas Sarkozy và ứng viên Đảng Xã hội Francois Hollande, những người ít nhiều đang tìm cách ve vãn các cử tri bỏ phiếu cho bà.
Ông Francois Hollande và ông Nicolas Sarkozy. Ảnh: GETTY IMAGES
Riêng với ông Sarkozy, quyết định trên có thể khiến ông mất thêm những lá phiếu cần thiết trong cuộc đối đầu với ông Hollande, người đã thắng ông trong vòng 1 cuộc bầu cử. Cuộc thăm dò của Công ty LH2 công bố vào cuối tuần rồi cho thấy ông Hollande sẽ đánh bại ông Sarkozy trong vòng 2 với tỉ lệ 54% - 46%. Điều này có nghĩa là đương kim tổng thống Pháp sẽ phải cần đến phần lớn lá phiếu của hơn 6 triệu cử tri ủng hộ bà Le Pen nếu muốn đảo ngược tình thế.
Phát biểu tại một cuộc tuần hành hôm 1-5, ông Sarkozy đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì những đường biên giới xung quanh nước Pháp và châu Âu, đồng thời cam kết cắt giảm số lượng người nhập cư. Đây là những chủ đề ông đưa ra sau vòng 1 cuộc bầu cử trong nỗ lực thu hút cử tri ủng hộ bà Le Pen.
Đáp lại, bà Le Pen chỉ trích ông Sarkozy đang bảo vệ những ý tưởng đi ngược lại với những chính sách của ông trong nhiệm kỳ đầu tiên. Bà nhận định: “Một tổng thống như thế không thể trở thành tổng thống của người dân”. Bà Le Pen cũng lên tiếng cáo buộc ông Sarkozy khiến nước Pháp nghèo đi và từ bỏ quá nhiều chủ quyền cho Liên hiệp châu Âu.
“Thời khắc của sự thật”
Hãng tin Reuters nhận định những chỉ trích trên đã giáng một đòn mạnh vào hy vọng tái đắc cử của ông Sarkozy, nhất là khi các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đa số cử tri từng bỏ phiếu cho bà Le Pen tại vòng 1 có thể bỏ phiếu trắng, thay vì chọn ông Sarkozy tại vòng 2. Trong khi đó, ông Hollande dường như không cần đến lá phiếu của cử tri ủng hộ Đảng Mặt trận Quốc gia nhiều như ông Sarkozy. Hãng tin AP cho biết bản thân ứng viên Đảng Xã hội chắc chắn sẽ nhận được sự hậu thuẫn của 10% cử tri bỏ phiếu cho ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon trong vòng đầu.
Chính vì thế, cơ hội cuối cùng để ông Sarkozy tránh được thất bại tại vòng 2 cuộc bầu cử có thể chính là cuộc tranh luận trực tiếp với ông Hollande trên truyền hình bắt đầu từ 21 giờ ngày 2-5 (giờ địa phương). Phát biểu với phóng viên trước thềm cuộc tranh luận, ông Sarkozy mô tả đây không phải là một cuộc thi hùng biện mà là một “thời khắc của sự thật”. Một phụ tá của ông Sarkozy tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Tổng thống Pháp dành phần lớn ngày 2-5 ở nhà để chuẩn bị cho cuộc tranh luận.
Là một chính khách lão luyện, ông Sarkozy tin rằng ông có thể khiến gió đổi chiều bằng cách mô tả ông Hollande là một người thiếu kinh nghiệm và sự tín nhiệm về mặt kinh tế tại cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ 30 phút nói trên. Bernard Sananes, người đứng đầu Viện Thăm dò CSA, cho đài truyền hình BFM biết: “Ông Sarkozy cần thu hút thêm 1,5 triệu cử tri về phía mình. Đây không phải là điều dễ dàng nhưng cũng không phải là bất khả thi”.
Ngược lại, ông Hollande không che giấu việc sẽ xoáy vào những chính sách “thất bại” của ông Sarkozy trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông nói với đài BFM: “Thật lòng mà nói, câu hỏi duy nhất cần được đặt ra là liệu người Pháp có muốn thấy lại những chính sách thất bại của 5 năm qua, tình trạng thất nghiệp gia tăng, tăng trưởng yếu kém, nợ nần và thâm hụt”.
Chỉ trích lẫn nhau Cả 2 ứng viên Sarkozy và Hollande không ít lần chỉ trích lẫn nhau trong những tháng qua. Ông Sarkozy mô tả đối thủ là một kẻ dối trá, bất tài và sẽ đưa nước Pháp rơi vào “thảm họa kinh tế”. Đáp lại, ông Hollande gọi ông Sarkozy là “một tổng thống thất bại” trong 5 năm qua.
Bình luận (0)