Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 22-2 công bố phát hiện gây nhiều phấn khích: 7 hành tinh đất đá có kích thước cỡ trái đất xoay quanh một ngôi sao đơn lẻ - một con số cao kỷ lục.
Khám phá quan trọng
Hệ thống hành tinh mới phát hiện quay quanh Trappist-1, một ngôi sao lùn cách trái đất 40 năm ánh sáng (phải mất 44 triệu năm mới đến được đó nếu đi bằng máy bay chở khách thương mại). Trappist-1 nhỏ hơn mặt trời khoảng 12 lần nhưng vẫn lớn hơn sao Mộc chút ít. Theo tạp chí Nature, ngôi sao này hiện 500 triệu năm tuổi nhưng có tuổi thọ ước tính lên đến 10.000 tỉ năm, đủ để sự sống tiến hóa trên đó. Để so sánh, mặt trời đã đi được nửa vòng đời khoảng 10 tỉ năm của mình.
Được phát hiện bởi kính viễn vọng không gian của NASA và một số đài thiên văn dưới mặt đất, toàn bộ 7 hành tinh nằm bên ngoài hệ mặt trời (còn gọi là ngoại hành tinh) nói trên đều có khả năng chứa nước trên bề mặt. Tuy nhiên, chỉ có 3 hành tinh được xem là có tiềm năng hỗ trợ phát triển sự sống. “Các hành tinh này đều nằm gần nhau và rất gần ngôi sao Trappist-1.
Điều này khiến người ta liên tưởng đến những mặt trăng quay quanh sao Mộc. Dù vậy, Trappist-1 quá nhỏ và lạnh nên 7 hành tinh quay quanh đều có nhiệt độ ôn hòa. Điều này có nghĩa chúng có thể có nước lỏng - và sự sống - trên bề mặt” - ông Michaël Gillon, nhà nghiên cứu đến từ Trường ĐH Liège (Bỉ), nói với đài BBC.
Các chuyên gia đánh giá cao khám phá trên vì một số lý do. Trước hết, đây là lần đầu tiên nhiều hành tinh có kích thước giống trái đất và nhiệt độ ôn hòa được phát hiện quay quanh quỹ đạo một ngôi sao. Ngoài ra, việc hệ thống này không quá xa trái đất - cũng như Trappist-1 mờ hơn mặt trời khoảng 200 - lần - hứa hẹn cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu cặn kẽ hơn về khí quyển của từng hành tinh để tìm kiếm những dấu vết hóa học của hoạt động sinh học trên đó.
Phòng thí nghiệm tốt nhất
“Hệ thống này sẽ là một trong những phòng thí nghiệm tốt nhất mà chúng ta từng có để hiểu về sự tiến hóa của các hành tinh nhỏ” - ông Zachory Berta-Thompson, nhà thiên văn học tại Trường ĐH Colorado (Mỹ) hoan hỉ. Nhà thiên văn học Amaury Triaud của Trường ĐH Cambridge (Anh) gọi phát hiện trên là bước tiến quan trọng trong nỗ lực tìm hiểu xem liệu có sự sống ngoài trái đất hay không. “Phát hiện này cho thấy việc tìm thấy một trái đất thứ 2 không còn là chuyện có hay không nữa mà là vấn đề khi nào” - ông Thomas Zurbuchen, một nhà khoa học NASA, tự tin cho biết tại cuộc họp báo hôm 22-2.
Hệ thống Trappist-1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm ngoái bởi một đài thiên văn ở Chile. Khi đó, đài này thông báo đã tìm ra 3 hành tinh trong hệ thống. Chúng thuộc số hơn 3.500 ngoại hành tinh được phát hiện cho đến giờ. Sau đó, các nhà thiên văn bắt đầu tìm hiểu thêm về chúng, sử dụng 2 kính viễn vọng không gian Hubble, Spitzer của NASA. Hiện các nhà khoa học đã bước vào giai đoạn tìm hiểu xem trên bề mặt các hành tinh có dấu hiệu tồn tại của những loại khí như ôxy, methane… hay không. Đây là những manh mối giúp họ biết được chuyện gì đang xảy trên bề mặt.
Trước mắt, kính Hubble tiếp tục được sử dụng cho sứ mệnh này. Một khi NASA và Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) phóng kính viễn vọng không gian James Webb vào năm 2018, các nhà khoa học sẽ có thêm điều kiện nghiên cứu chính xác những hành tinh nói trên. Trước mắt, dựa trên những thông tin có được, các nhà nghiên cứu và NASA đã vẽ ra bức tranh cuộc sống trên những hành tinh mới - được đặt biệt danh là “7 chị em của trái đất” - trong trường hợp con người đặt chân được đến đó.
Cụ thể, mọi thứ trên hành tinh sẽ trông tối hơn nhiều so với ở trái đất. Lượng ánh sáng đến mắt con người sẽ ít hơn 200 lần so với từ mặt trời - tức tương đương với những gì chúng ta thấy khi hoàng hôn xuống. Điều an ủi là con người vẫn cảm thấy ấm áp như ở trái đất nhờ năng lượng nhận từ ngôi sao. Chưa hết, do các hành tinh quá gần nhau nên một người đứng trên một bề mặt một hành tinh có thể nhìn thấy những hành tinh khác có kích thước to và sáng rực trên bầu trời. Điều này giống như mặt trăng được nhìn thấy từ trái đất nhưng thậm chí còn trông đẹp hơn.
Bình luận (0)