Tại hội nghị ngày 30-6 ở Geneva - Thụy Sĩ, các ngoại trưởng của 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh sẽ tham gia thảo luận nghị trình với các đồng nhiệm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Qatar và Iraq; cùng với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng Thư ký Liên đoàn Ả Rập Nabil Elaraby.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (bìa trái) cùng đặc phái viên Kofi Annan (giữa)
Các nhà hoạt động đối lập nói với báo The Guardian (Anh) rằng máy bay trực thăng đã bắn phá khu vực Harasta và Barzeh ở ngoại ô Damascus, trong khi các cuộc biểu tình kêu gọi ông Assad ra đi nổ ra từ thành phố Aleppo ở phía Bắc đến Daraa ở phía Nam. Chỉ riêng hôm thứ năm vừa qua, 180 người được cho là đã chết và đây là một trong những ngày đẫm máu nhất của cuộc nổi dậy đã kéo dài 16 tháng.
Hôm 29-6, một ngày trước Hội nghị Geneva, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov ở St. Petersburg - Nga để thảo luận những bất đồng khi Moscow yêu cầu những thay đổi trong một văn kiện dự thảo được ông Kofi Annan đệ trình mà trước đó Moscow đã đồng ý theo cách riêng tư. Văn bản này không nêu đích danh ai nhưng ám chỉ ông Assad và những cố vấn thân cận sẽ phải từ chức: “Một chính phủ thống nhất chuyển tiếp sẽ phải loại trừ những người mà sự tiếp tục hiện diện của họ gây phương hại đến tính khả tín của công việc chuyển tiếp chính trị, hủy hoại sự ổn định và hòa giải”. Nga không đồng ý với nội dung này vì Moscow không ủng hộ điều mà họ gọi là sự “thay đổi chế độ”.
Thế nhưng, sau cuộc gặp với bà Clinton, ông Lavrov nói với báo chí: “Chúng tôi có một cơ hội rất tốt để tìm thấy tiếng nói chung tại hội nghị ở Geneva ngày mai”. Ông cũng cho biết cảm thấy có sự thay đổi trong lập trường của bà Clinton (?). “Phải chăng người Nga rút lại điều họ đã đồng ý hay họ muốn tăng cường vị thế trong đàm phán? Nó hoàn toàn không rõ ràng” - một quan chức đặt vấn đề. Trong khi đó, các nhóm đối lập Syria nói rõ rằng sẽ không có thỏa thuận nào về chuyển tiếp chính trị khi ông Assad chưa từ bỏ quyền lực và rời khỏi đất nước.
Theo dự thảo văn kiện mà The Guardian có được, việc thiết lập một chính phủ chuyển tiếp sẽ theo sau một cuộc đối thoại tầm quốc gia, xem xét lại kiểu hiến pháp và hệ thống pháp lý của Syria. Kế đến sẽ là “những cuộc bầu cử đa đảng tự do và công bằng”. Văn kiện cũng thúc giục “chấm dứt bạo lực vũ trang dưới mọi hình thức, đồng thời có hành động khẩn trương, tin cậy và rõ ràng để thực thi kế hoạch 6 điểm của ông Kofi Annan”. Nó bao gồm việc rút quân ra khỏi các thành phố, bảo đảm cho hoạt động nhân đạo, truyền thông và trả tự do cho các tù nhân.
Một giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ không muốn nêu tên tiết lộ sau cuộc họp ở St. Petersburg rằng vì sự kính trọng đối với ông Annan, các bộ trưởng sẽ vẫn có mặt tại hội nghị Geneva. “Vẫn có những lĩnh vực còn khó khăn và khác biệt. Nhưng về cơ hội cho một hiệp định ở Geneva, chúng tôi có thể tìm thấy ở đó, mà cũng có thể không” - giới chức này nói.
Bình luận (0)