Theo thông báo của IDF, quân đội Israel sẽ nâng cấp các hệ thống an ninh ở khu vực biên giới chung và cải tiến hoạt động của các bộ chỉ huy tác chiến. Ngoài ra, IDF thiết lập thêm các khu vực bảo vệ đặc biệt ở biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn Syria có thể đổ sang khi chiến sự trở nên ác liệt hơn.
Israel rất lo ngại các loại vũ khí hiện đại của Syria như tên lửa Scud hay vũ khí hóa học rơi vào tay “khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Syria” và biến Israel thành mục tiêu tấn công, nhất là khi chính phủ Syria đã mất kiểm soát ở nhiều nơi.
Binh lính Israel tuần tra dọc biên giới với Syria trên cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters
IDF đã lên kế hoạch ứng phó cho nhiều kiểu tấn công như thâm nhập cộng đồng người Israel dọc biên giới ở cao nguyên Golan, bắt cóc binh lính hoặc dân thường, bắn hỏa tiễn vào Israel từ Syria...
Trong khi đó, chỉ riêng ngày 28-6, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của 91 người, trong đó có 59 dân thường, nâng tổng số người chết 16 tháng qua ở Syria lên hơn 15.800 người.
Trong một diễn biến khác, sáng 29-6, chính phủ Nhật Bản đã triệu đại sứ tại Syria, ông Toshiro Suzuki, về nước. Hồi đầu tháng 6, ông Suzuki bị Damascus xem là "người không được hoan nghênh".
Ông Suzuki giữ chức đại sứ Nhật Bản tại Syria từ tháng 8-2010, nay sẽ làm việc tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo với tư cách là đại sứ phụ trách các nước Trung Đông và Bắc Phi. Do tình hình an ninh ngày càng xấu đi, Nhật Bản đã đóng cửa đại sứ quán nước này ở Syria hồi tháng 3 và chuyển ông Suzuki cùng các nhân viên sứ quán sang Jordan.
Những động thái trên diễn ra trước khi hội nghị quốc tế về Syria khai mạc tại Geneva - Thụy Sĩ vào ngày 30-6 theo đề xuất của đặc phái viên Kofi Annan. Phát biểu trước thềm hội nghị, cả Nga và Trung Quốc đều khẳng định ủng hộ một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria và phản đối mọi hành động can thiệp từ bên ngoài.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Iran sẽ là một nhân tố quan trọng cho việc tháo gỡ khủng hoảng tại Syria. Vì vậy, không mời Tehran dự hội nghị sẽ là sai lầm.
Bình luận (0)