61,5 triệu công dân Đức đủ điều kiện đi bầu, với tỉ lệ cử tri bỏ phiếu lần này dự kiến sẽ cao hơn mức 71,5% tại cuộc bầu cử cách đây 4 năm.
Theo đài BBC, đương kim Thủ tướng Angela Merkel thuộc Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU), với 12 năm kinh nghiệm đứng đầu chính phủ, nhiều khả năng giành được nhiệm kỳ thứ tư. Trong khi đó, ông Martin Schulz - thủ lĩnh Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu - là đối thủ lớn nhất cạnh tranh chức vụ thủ tướng với bà Merkel.
Kênh Al Jazeera cho rằng bà Merkel đang được xem là "người mẹ của nước Đức thế kỷ XXI". "Không có chính khách châu Âu nào khác có thể sánh được với bà về sự tín nhiệm bền lâu trong lòng dân chúng. Không thể hình dung có một chính khách bảo thủ hoặc ngay cả một chính khách thuộc phe cánh tả ở bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác tiếp đón 1 triệu người tị nạn và sống sót về mặt chính trị" - nhà báo Laurence Lee nhận định.
Ít có khả năng đảng nào sẽ giành được hơn 50% trong số 598 ghế tại quốc hội, nên các đảng lớn nhất sẽ bắt đầu cuộc đàm phán thành lập liên minh ngay trong ngày 25-9. CDU của bà Merkel có thể hy vọng liên minh với Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Đảng Xanh hoặc với cả hai. Phương án khác, CDU sẽ tiếp tục liên minh với SPD.
Thủ lĩnh Đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz và vợ bỏ phiếu ở Wuerselen ngày 24-9 Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý, dự kiến Đảng cánh hữu Sự lựa chọn khác cho Đức (AfD) lần đầu tiên trong 60 năm qua sẽ góp mặt tại quốc hội với 60 ghế. Đặc biệt, AfD đã tuyên bố sẽ thúc ép "trừng trị nghiêm khắc" bà Merkel vì đã mở cửa cho người tị nạn và người di cư tràn vào Đức, cũng như vì bà đã tấn công Hồi giáo khi nói đạo Hồi "không ở nước Đức".
Báo The Independent ngày 24-9 nhận định bà Merkel vẫn làm thủ tướng. Thế nhưng, lãnh đạo một nước Đức chia rẽ sâu sắc và đối mặt thực tế sự ủng hộ dành cho phe đối lập tăng lên, con đường phía trước của nữ thủ tướng sẽ rất gập ghềnh. Cách đây 4 năm, bà Merkel có thể khẳng định đã xóa tan được sự chia rẽ đó khi giành được đại đa số phiếu trên khắp cả nước.
Thế nhưng, nay đã khác trước. Sự luyến tiếc Đông Đức và sự bực bội về mức sống thấp hơn so với Tây Đức ngày trước góp phần làm nên điều đó. Ông Alexander Gauland, ứng cử viên hàng đầu của AfD, kêu gọi người dân Đức "đòi lại quá khứ" và "tự hào về thành tích của người lính Đức trong 2 cuộc thế chiến".
Nhà khoa học chính trị Carsten Koschmieder ở Berlin tin rằng sự chia rẽ ở Đức sẽ trở nên sâu sắc hơn. "Những người trẻ tuổi tài năng ở khu vực Đông Đức trước đây chuyển sang phía Tây để tìm việc làm, điều đó càng khiến những người thua kém họ gặp khó khăn hơn. Khi người dân đối mặt tình trạng biến động như thế, họ sẽ tìm kiếm sự ổn định thay thế ở đặc tính dân tộc của mình" - ông nhấn mạnh.
Đó cũng là vấn đề nằm ở tâm điểm cuộc vận động tranh cử của AfD.
Bình luận (0)