Vào đầu tháng này, Công ty XpressWest (Mỹ) quyết định rút khỏi liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc nối TP Las Vegas và TP Los Angeles với Công ty Đường sắt quốc tế Trung Quốc (CRI).
Điều này không chỉ khiến CRI tổn thất một hợp đồng trị giá nhiều tỉ USD mà còn cho thấy Bắc Kinh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc ra nước ngoài. Hồi năm 2014, nhà chức trách Mexico rút lại thỏa thuận trị giá 4,3 tỉ USD với một liên doanh do Trung Quốc đứng đầu nhằm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở nước này.
Tại châu Á, tuyến đường sắt được Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng - nối Singapore với TP Côn Minh - cũng bị giáng một đòn mạnh vào năm ngoái sau khi một phần dự án này rơi vào tay đối thủ chính Nhật Bản. Theo trang Bloomberg, Thái Lan và Nhật Bản đã ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối liền thủ đô Bangkok và TP Chiang Mai.
Giờ đây, Bắc Kinh và Tokyo đang tranh nhau hợp đồng xây dựng phần cuối cùng của tuyến đường sắt nói trên - nối Singapore với thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia. Ngay cả chiến thắng lớn nhất của Trung Quốc trong dự án này - giành được hợp đồng xây tuyến đường sắt Jakarta - Bandung ở Indonesia - cũng bị phủ bóng bởi chuyện Bắc Kinh chịu nhượng bộ nước chủ nhà về mặt tài chính để đánh bại cho bằng được đối thủ Nhật Bản.
Dù nhiều trở ngại nhưng Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tham vọng xây dựng “Con đường tơ lụa mới” để thúc đẩy giao thương với châu Âu, châu Á và châu Phi.
Phát biểu tại diễn đàn “Con đường tơ lụa mới” tại thủ đô Warsaw - Ba Lan hôm 20-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời gọi nước chủ nhà tham gia sáng kiến “Một con đường, một vành đai” vốn được tuyên truyền là giúp thúc đẩy kinh tế khu vực, duy trì hòa bình và ổn định thế giới. Trước đó, khi ở thăm Serbia hôm 18-6, ông Tập cũng cho rằng nước này có thể đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến trên của Bắc Kinh.
Chưa hết, một thỏa thuận đường sắt cao tốc trị giá nhiều tỉ USD dự kiến được ký kết khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc từ ngày 25-6. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, 2 bên dự kiến thảo luận chuyện mở rộng hợp tác quân sự và ký kết đến 30 thỏa thuận thương mại nhân chuyến thăm. Bắc Kinh gần đây xác nhận kế hoạch cung cấp khoản vay trị giá 6 tỉ USD để xây tuyến đường sắt cao tốc giữa 2 thành phố Moscow và Kazan. Kinh phí của dự án có thể lên đến 15 tỉ USD.
Trong tương lai, theo đài RT, nó có thể trở thành một phần của tuyến đường sắt cao tốc nối liền Moscow và Bắc Kinh, ước tính có chi phí 100 tỉ USD. Ngoài ra, tuyến đường sắt này có thể kết nối với dự án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc.
Bình luận (0)