Dư luận đang mong chờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên trang Twitter hôm 21-10 rằng ông sẽ cho phép công bố hàng ngàn tài liệu mật - có thể chứa đựng nhiều chi tiết mới về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy ở Dallas, bang Texas ngày 22-11-1963.
Chuyến đi bí ẩn
Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ đang giữ hơn 5.000 trang dữ liệu liên quan đến vụ sát hại ông Kennedy, gồm nhiều ảnh chụp, đoạn phim, bản ghi âm và các vật chế tác. Trong đó, khoảng 88% dữ liệu đã được công bố từ cuối những năm 1990, 11% (đã công bố) có những phần nhạy cảm đã được gỡ bỏ. Theo kênh ABC News, hiện chỉ còn 1% tài liệu được giữ kín.
Đạo luật "Thu thập tài liệu vụ ám sát John F. Kennedy" năm 1992 quy định 3.100 tài liệu mật sẽ được công bố vào ngày 26-10-2017, nhân dịp kỷ niệm 25 năm đạo luật này ra đời. Đương kim tổng thống Mỹ là người duy nhất có thể ngăn cản việc công bố bởi ông có quyền giấu đi bất cứ phần nào hoặc tất cả tài liệu mà ông đánh giá là gây nguy hiểm cho cơ quan tình báo, cơ quan thực thi pháp luật hoặc quân đội Mỹ.
Tổng thống John F. Kennedy (trái) trước khi bị Lee Harvey Oswald (ảnh nhỏ) ám sát Ảnh: DEMOCRACY NOW - AP
Bà Lindsay E. Walters, người phát ngôn của Tổng thống Donald Trump, cho biết Nhà Trắng biết rõ thời hạn chót này đang đến gần. Nhà Trắng đang hợp tác với các cơ quan liên bang để bảo đảm có thể công bố tối đa số tài liệu mà không "gây tổn hại" an ninh quốc gia.
Nếu được Tổng thống Donald Trump bật đèn xanh và không có sự hạn chế nào, ngày 26-10, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ sẽ công bố toàn bộ tài liệu chưa từng tiết lộ và 30.000 tài liệu đã được phổ biến nhưng chỉ ở một mức độ nào đó.
Giới học giả và sử gia cho rằng tài liệu này sẽ không đưa ra những phát hiện gây xôn xao dư luận nhưng việc công bố được chờ đợi khiến họ phấn chấn. "Giới sử gia lâu nay vẫn mong chờ việc công bố số tài liệu còn lại. Chuyện gì đã xảy ra với vụ ám sát John F. Kennedy hiện còn là điều bí ẩn" - sử gia Douglas Brinkley bày tỏ.
Một trong những bí ẩn liên quan đến vụ việc là chuyến đi đến Mexico City, thủ đô Mexico, của Lee Harvey Oswald, cựu thủy quân lục chiến bị cáo buộc là kẻ ám sát, vào tháng 9-1963 - tức 2 tháng trước khi y ra tay. Trong thời gian đó, y có đến Đại sứ quán Liên Xô và Cuba. Oswald khai y đến đó để xin visa vào Cuba và Liên Xô.
Sau vụ ám sát 2 ngày, Oswald bị Jack Ruby, chủ hộp đêm ở Dallas, bắn chết ngay tại trụ sở cảnh sát Dallas ngày 24-11-1963. Giới sử gia cho rằng câu chuyện có thể không chỉ dừng lại ở đó. Họ tin rằng phần tài liệu mới sắp được công bố có thể có câu trả lời về chuyến đi 6 ngày của Oswald đến Mexico City.
CIA không muốn công bố?
"Tôi luôn xem chuyến đi đến Mexico City là một phần ẩn giấu của vụ ám sát" - ông Philip Shenon, cựu phóng viên The New York Times và là tác giả cuốn sách viết về một ủy ban quốc hội điều tra vụ ám sát Kennedy, cho biết.
"Oswald đã gặp các đặc vụ Liên Xô và Cuba, còn Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã theo dõi y gắt gao. Phải chăng FBI và CIA đã có nhiều chứng cứ cho thấy y là một mối đe dọa trước khi vụ ám sát xảy ra? Nếu như họ hành động theo bằng chứng đó, có lẽ vụ ám sát đã không xảy ra. Các cơ quan này có thể lo sợ nếu tất cả tài liệu được công bố, sự kém cỏi và cẩu thả của họ sẽ bị phơi bày. Họ biết về mối nguy hiểm của Oswald nhưng không báo động Washington" - ông Shenon nhận định.
Ông Jefferson Morley, cựu phóng viên tờ The Washington Post - người đã viết về hồ sơ ám sát Kennedy, cũng cho rằng tài liệu mật còn lại có thể bao gồm dữ liệu về các quan chức CIA cấp cao có thể biết rõ chuyện cơ quan này theo dõi Oswald ở Mexico City.
Không có gì lạ khi ý định trên của ông Donald Trump đang vấp phải sự can ngăn trong nội bộ chính phủ Mỹ. Báo The Washington Post đưa tin một viên chức Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) tiết lộ một số cơ quan liên bang yêu cầu Tổng thống Donald Trump không công bố số dữ liệu còn lại liên quan đến cái chết của cố Tổng thống Kennedy. Vị này từ chối xác định cơ quan nào yêu cầu ông Donald Trump giữ bí mật một số hồ sơ Kennedy.
"Người ta sẽ đề nghị tổng thống không giải mật số tài liệu, không có nghi ngờ gì về điều này. Có những hồ sơ liên quan đến những nguồn tin, phương pháp mà các cơ quan yêu cầu không công khai" - quan chức NSC này xác nhận.
Hồi đầu tháng 10 này, ông Roger Stone, nhà tư vấn chính trị và là một người bạn của ông Donald Trump, tiết lộ trên website của mình rằng Giám đốc CIA Mike Pompeo muốn tổng thống trì hoãn việc công bố tài liệu nêu trên thêm 25 năm nữa.
Là người phản đối sự trì hoãn này, ông Stone thắc mắc: "Chính phủ đang che giấu điều gì? Vấn đề lúc này là sự minh bạch. Một nguồn tin Nhà Trắng bảo tôi rằng CIA, đặc biệt là Giám đốc Mike Pompeo, đã vận động tổng thống không công bố các tài liệu này. Vì sao? Vì tôi tin rằng chúng cho thấy Oswald là người được CIA huấn luyện".
CIA từ chối bình luận về cáo buộc của ông Stone nhưng cho biết sẽ có các bước đi thích hợp liên quan đến những thông tin cơ quan này chưa được công bố trước đây. FBI cũng không nói gì về số phận của phần tài liệu mật còn lại về vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy.
Bình luận (0)