Tài nguyên của trái đất từ lâu đã là tác nhân gây ra xung đột vũ trang, như dầu, nước hoặc thực phẩm. Tuy nhiên, trong những thập kỷ tới, xung đột về tài nguyên có thể gia tăng dưới biển do tiềm năng khai thác tài nguyên và giám sát quân sự dưới đáy đại dương. Nằm rải rác dưới đáy biển là các hợp chất có chứa những nguyên tố đất hiếm vốn được sử dụng để sản xuất điện thoại thông minh, xe điện, thuốc, tên lửa và phục vụ trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác.
Không ít quốc gia và công ty đang gửi tàu thăm dò dưới đáy biển để đánh giá liệu việc khai thác dưới biển sâu có khả thi về mặt thương mại hay không. Theo GS Neville Exon, chuyên về khoa học địa chất và trầm tích tại Trường ĐH Quốc gia Úc, cho đến nay có hai địa điểm khả thi về mặt thương mại để khai thác các nguyên tố đất hiếm là khu vực ngoài khơi bờ biển phía Nam Ấn Độ và phía Đông Bắc Thái Bình Dương ở độ sâu lên tới 5.000 m.
Các thủy thủ Mỹ hạ thủy thiết bị thăm dò tự hành dưới đáy biển trong cuộc diễn tập gần TP Panama, bang Florida - Mỹ Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Ông Manabrata Guha, một nhà nghiên cứu về lý thuyết chiến tranh tại Học viện Quốc phòng Úc, nói với đài ABC (Úc) rằng bất kỳ dự án thăm dò khai thác biển sâu của nước nào cũng đều có thể được chuyển đổi để ứng dụng quân sự. Về mặt lý thuyết, điều này có thể xảy ra nếu tài liệu thăm dò của một công ty nào đó, như bản đồ địa hình hoặc bản đồ nhiệt dưới đáy biển, được dùng để hỗ trợ quân đội.
Hiện tại, bất kỳ lực lượng quân đội nào cũng dễ bị thiệt hại dưới đáy đại dương bởi sự hạn chế thông tin về môi trường này. Hiện chỉ có 9% đáy đại dương được lập bản đồ với độ phân giải cao, thấp hơn nhiều so với khoảng 99% bề mặt sao Hỏa. Sự thiếu sót thông tin dưới đáy biển là "điểm mù" gây trở ngại cho các nhà khai thác biển sâu và nhà chiến lược quân sự. Vụ việc từng gây chú ý là vào năm 2005, khi đó, một tàu ngầm của Mỹ đâm vào ngọn núi dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 160 m.
Trong khi Thái Bình Dương được xem là vùng biển có tiềm năng khai thác cao nhất thì đây cũng là nơi chứng kiến căng thẳng địa chính trị nhiều nhất trong thế kỷ này: sự trỗi dậy của Trung Quốc và phản ứng của Mỹ. Ông Leszek Buszynski, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Trường ĐH quốc gia Úc, cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra ở phía Tây Thái Bình Dương, liên quan đến yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Theo ông Buszynski, những nỗ lực của Trung Quốc ở biển Đông cho thấy "mục tiêu dài hạn" là nhằm làm giảm ưu thế của quân đội Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương.
Trong khi đó, ông Guha nhận định sự hiểu biết rõ về đáy đại dương ở biển Đông có thể giúp Mỹ chống lại những nỗ lực của Trung Quốc và hỗ trợ cho chiến lược "kiểu phô mai Thụy Sĩ" của Washington. (Những vết lõm trên phô mai Thụy Sĩ tượng trưng cho những điểm yếu tiềm năng trong hệ thống phòng thủ quân sự của đối phương mà Mỹ có thể khai thác). Đưa ra ví dụ về quân sự, ông Guha chỉ ra việc Mỹ có khả năng triển khai các cảm biến dưới đáy biển ở eo biển Malacca, tuyến hàng hải giữa Malaysia và Indonesia khá quan trọng đối với thương mại quốc tế, để theo dõi các hoạt động của hải quân Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc có thể làm điều tương tự với các tàu phương Tây ở biển Đông. Ông Guha nói thêm bất kỳ quân đội nước nào nắm giữ thông tin đáng kể về đáy biển đều có thể vũ khí hóa thông tin của họ bằng cách cố ý công bố bản đồ hoặc hình ảnh nhiệt sai lệch với mục đích phá hoại chiến lược biển sâu của kẻ thù.
Bình luận (0)