Tờ Sydney Morning Herald (Úc) dẫn nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho hay phía Mỹ kết luận mảnh vỡ trôi vào bờ của đảo Réunion – hòn đảo thuộc Pháp nằm ở phía Tây Nam Ấn Độ Dương - sáng 29-7 (giờ địa phương) là của một chiếc máy bay Boeing 777, cùng loại với chiếc MH370 mất tích.
Kết luận này được các quan chức Mỹ và chuyên gia từ hãng Boeing đưa ra sau khi phân tích các hình ảnh và video về mảnh vỡ. Nguồn tin cho biết Mỹ đang chờ các chuyên gia hàng không Pháp kiểm tra để xem trên mảnh vỡ có số hiệu nào khớp với MH370 hay không.
Ngày 29-7, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết nước này đã cử một nhóm đi xác minh mảnh vỡ. Phát biểu với báo giới tại New York - Mỹ, ông Liow Tiong Lai nói: “Bất cứ mảnh vỡ nào được tìm thấy đều cần phải thẩm tra thêm trước khi chúng tôi có thể xác nhận liệu nó có phải là của MH370 hay không”.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Úc Warren Truss tuyên bố: “Nếu mảnh vỡ trên của MH370, nó phù hợp với lập luận máy bay nằm dưới đáy biển phía Nam Ấn Độ Dương”.
Cơ quan An toàn hàng không Pháp (BEA) hôm 29-7 tuyên bố họ đang phối hợp với Malaysia và Úc để xem xét mảnh vỡ. Theo một quan chức Pháp, mảnh vỡ có kích cỡ 2,7m x 1m trên có thể thuộc cánh máy bay – nhiều khả năng là Boeing 777 – và đã nằm trong nước một thời gian dài.
Đáng lưu ý là các điều tra viên nhấn mạnh tính đến thời điểm này, không có chiếc Boeing 777 nào khác gặp tai nạn hay mất phần cánh như trên. Theo các chuyên gia, phần cánh này có tên cánh con, một trong những bộ phận giúp phi công định hướng bay.
Đặc biệt, trên mảnh vỡ có số hiệu BB670 trên mảnh vỡ có thể giúp xác định xuất xứ của nó, theo ông Martin Dolan, người đứng đầu Cơ quan An toàn giao thông Úc.
Chuyên gia hàng không Pháp Xavier Tytelman nói: “Mã này không phải số đăng ký của máy bay, cũng không phải là số seri trên máy”.
Cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ Greg Feith cho biết mỗi nhà sản xuất đều gán một mã dữ liệu lên mọi bộ phận của máy bay, trừ ốc vít. Do đó, mã số trên sẽ giúp việc đối chiếu thông tin được dễ dàng.
Trong khi đó, ông Erik van Sebille, chuyên gia về các dòng hải lưu, xác nhận có khả năng một số mảnh vỡ trôi được đến đảo Reunion, cách vị trí cuối cùng được ghi nhận của MH370 gần 5.000 km. “Nhưng với điều kiện máy bay đã bay đến vùng biển ngoài khơi Tây Bắc nước Úc” – ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông, cho dù mảnh vỡ trên là của MH370 thì cũng không có nghĩa những mảnh khác có mặt ở gần đó. “Đại dương hoạt động như một máy bắn đạn khổng lồ và nó có thể đẩy các mảnh vỡ ra một khu vực rộng lớn” – ông nói.
Bình luận (0)