Khu bảo tồn Ol Pejeta trong một tuyên bố cho biết họ cùng với giới chức bảo tồn động vật hoang dã cùng với nhiều người chăm sóc Sudan đã quyết định trợ tử cho con tê giác 45 tuổi này khi sức khỏe của nó quá yếu. Trước đó, Sudan được chăm sóc đặc biệt vì những triệu chứng liên quan đến vấn đề tuổi tác khiến cơ và xương suy yếu trong khi da bị thương nghiêm trọng.
Hai tuần trong giai đoạn cuối tháng 2 đầu tháng 3, Sudan không thể đứng dậy được vì vết thương nặng ở chân phải sau.
Sudan qua đời ở tuổi 45, tương đương tuổi 90 ở con người. Ảnh: AP
"Tình trạng sức khỏe của Sudan xấu đi rõ rệt trong 24 giờ qua, nó không đứng lên nổi. Nhóm bác sĩ thú y đến từ Sở thú Dver Kralove, Ol Pejeta và Cơ quan Bảo tồn thiên nhiên Kenya đã quyết định trợ tử cho Sudan" – khu bảo tồn Ol Pejeta trong một tuyên bố cho biết.
Trước khi được chuyển đến khu bảo tồn Ol Pejeta, Sudan từng sinh sống tại Sở thú Dver Kralove ở Cộng hòa Czech. Sau khi Sudan qua đời, loài tê giác trắng phương Bắc chỉ còn 2 cá thể là Najin, 27 tuổi, và Fatu, 17 tuổi. Cả 2 đều là giống cái.
Theo BBC, hy vọng bảo tồn loài tê giác trắng phương Bắc có thể được duy trì bằng việc phát triển công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Khu bảo tồn Ol Pejeta thông qua mạng xã hội Twitter chia sẻ thông tin Sudan qua đời. Ảnh: Twitter
Trước đó, sau khi mọi nỗ lực sử dụng Sudan bảo tồn giống loài bằng biện pháp thụ tinh tự nhiên thất bại, giới bảo tồn động vật hoang dã đã thành lập quỹ phát triển IVF vì tê giác.
Giới bảo tồn động vật hoang dã cho biết họ đã lấy mẫu gen của Sudan vào hôm 19-3 để hỗ trợ nỗ lực ngăn chặn loài này khỏi sự tuyệt chủng bằng công nghệ tế bào tiên tiến trong tương lai, sử dụng tinh trùng bảo quản cùng với trứng của Najin và Fatu.
Thông tin Sudan qua đời khiến giới bảo tồn động vật thiên nhiên và những người chăm sóc vô cùng đau buồn. Ảnh: Reuters
Những giống loài tê giác khác, từ tê giác trắng phương Nam đến tê giác đen, đang được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi những kẻ săn trộm sừng của chúng để bán trên thị trường chợ đen.
Hiện tại, ở châu Phi có khoảng 20.000 cá thể tê giác trắng phương Nam – tăng mạnh so với con số chưa đầy 100 vào khoảng 1 thế kỷ trước nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của giới bảo tồn động vật hoang dã.
Sau khi Sudan qua đời, loài tê giác trắng phương Bắc chỉ còn lại 2 cá thể cái. Ảnh: AP
Con tê giác đực phương Bắc cuối cùng trên trái đất đã chết
Bình luận (0)