Tại Mỹ, cảnh sát đã bắt 175 người biểu tình tại một khu cắm trại ở một công viên thuộc trung tâm thành phố Chicago. Đáp lại, đám đông biểu tình thề sẽ tiếp tục chiến dịch chống lại sự bất bình đẳng về kinh tế, thói tham lam cùa các doanh nghiệp và một nền kinh tế èo uột.
Cảnh sát Chicago bắt giữ 1 người biểu tình hôm 16-10. Ảnh: AP
Đây là mục tiêu xuyên suốt của phong trào “Chiếm phố Wall”, khởi đầu vào ngày 17-9 với hàng chục người biểu tình tìm cách cắm trại trước Sở giao dịch chứng khoán New York ở Mỹ.
Kể từ đó, phong trào này lan rộng sang các thành phố khác của Mỹ, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt cuộc biểu tình tương tự diễn ra khắp thế giới.
Người biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ của mình về nhiều vấn đề, từ tình trạng thất nghiệp cao, các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ cho đến thói tham lam của giới ngân hàng, tài chính, chính khách mà họ cáo buộc đã đẩy thêm nhiều người vào cảnh đói nghèo.
Tất cả họ chia sẻ chung cảm nghĩ rằng giới trẻ và tầng lớp trung lưu đang phải trả giá đắt vì sự quản lý kém và hành động sai trái của những tầng lớp trên.
Cảnh sát và người biểu tình đối đầu tại Quảng trường Times, thành phố New York, hôm 15-10. Ảnh: AP
Tại Mỹ, thông điệp mà người biểu tình đưa ra rất rõ ràng: 99% người dân đang phải vật lộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày trong lúc khoảng 1% người còn lại kiểm soát phần lớn của cải của nền kinh tế và họ vẫn tiếp tục giàu lên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định người biểu tình đang bày tỏ “sự thất vọng về cách thức hoạt động của hệ thống tài chính”. Trong khi đó, một số thành viên Đảng Cộng hòa tìm cách mô tả phong trào “Chiếm phố Wall” như là một cuộc chiến giai cấp.
Linh mục Jesse Jackson, một nhà hoạt động nhân quyền da màu nổi tiếng, đánh giá: “Phong trào ra đời nhằm bày tỏ sự thất vọng. Phong trào này là có ích, hiệu quả và đang ngày càng thành công. Cuộc biểu tình có thể trở một phong trào mạnh mẽ nếu vẫn giữ được kỷ luật, tập trung, bất bạo động và chuyển nỗi đau thành sức mạnh thông qua bỏ phiếu”.
Một xe hơi bị đốt cháy trong cuộc biểu tình ở Rome (Ý) hôm 15-10. Ảnh: AP
Hàng ngàn người tham gia cuộc biểu tình của phong trào “Chiếm giữ Madrid”
tại quảng trường Puerta del Sol, Tây Ban Nha hôm 15-10. Ảnh: AP
Một số chuyên gia nhận định rằng những cuộc biểu tình như thế sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới khi viễn cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn u ám trong lúc truyền thông xã hội giúp đoàn kết những người biểu tình có cùng tâm trạng bất bình khắp thế giới lại với nhau.
Bà Tina Fordham, nhà phân tích chính trị của ngân hàng Citibank (Mỹ), cho biết: “Đây chắc chắn sẽ là xu hướng trong nhiều năm tới, thậm chí là trong cả thập kỷ. Cho đến giờ, tác động của các cuộc biểu tình lên chính sách vẫn còn tối thiểu nhưng điều này có thể thay đổi. Chỉ cần nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng trong thời gian tới, những phong trào mới nổi này có thể phát triển mạnh mẽ thành những lực lượng chính trị”.
Bình luận (0)