xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Cơn thịnh nộ" từ lòng đất

XUÂN MAI

Một giải pháp sáng tạo để cứu vãn tình trạng sụt lún đất là xử lý để nước thải có tính chất tương tự nước ngầm rồi bơm trở lại tầng ngậm nước

Các cộng đồng ven biển đang chống chọi tác động tiêu cực từ hiện tượng nước biển dâng. Ở một số nơi, vấn đề càng trầm trọng hơn bởi hiện tượng sụt lún.

Nguy cơ bị nuốt chửng

Đầu tháng 12-2017, một cơn bão mạnh đã biến đường phố Jakarta - Indonesia thành sông, khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đình trệ. Tình trạng toàn cầu ấm dần lên không phải là thủ phạm duy nhất đằng sau những trận lụt nghiêm trọng như thế.

Nguyên nhân quan trọng không kém là thành phố 30 triệu dân này đang sụt lún nhanh hơn bất kỳ đô thị lớn nào khác trên thế giới (bình quân 17 cm/năm, theo đài BBC). Các quận ven biển, như Muara Baru, sụt lún hơn 4 m trong những năm gần đây. Tốc độ này thậm chí còn nhanh hơn tốc độ dâng cao của mực nước biển do biến đổi khí hậu gây ra. Hậu quả là các con sông thỉnh thoảng chảy ngược dòng, mưa thường xuyên biến các khu phố thành đầm lầy và các tòa nhà dần bị lòng đất nuốt chửng.

Theo báo The New York Times, nguyên nhân chính là do người dân Jakarta đào giếng bất hợp pháp, từ đó làm cạn tầng ngậm nước bên dưới thủ đô. Hành động này không khác gì làm xẹp lớp đệm hơi khổng lồ bên dưới mặt đất. Giờ đây, khoảng 40% diện tích Jakarta nằm dưới mực nước biển. Các nhà thủy văn học cho rằng chỉ còn một thập kỷ để ngăn chặn hiểm họa này, nếu không thì phía Bắc Jakarta - nơi sinh sống của hàng triệu cư dân - có thể chìm xuống biển.

Còn tại Mỹ, vùng ven biển bang Louisiana đang xói mòn nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác ở nước này do nước biển dâng và đất sụt lún từ việc khai thác dầu mỏ, khí đốt. Chính quyền bang Louisiana đã lên kế hoạch đưa hàng ngàn người dân ra khỏi những khu vực bị đe dọa, có tổng diện tích lớn hơn cả bang Delaware.

Trên thực tế, nước biển dâng là vấn đề toàn cầu do sự nóng lên của đại dương và sự tan chảy của băng. Trong khi đó, sụt lún đất lại là vấn đề địa phương, ảnh hưởng đến một số cộng đồng. Ở những vùng ven biển không may bị ảnh hưởng bởi cả 2 hiện tượng này, nguy cơ lũ lụt trở nên nghiêm trọng.

Mặc dù các cộng đồng ở sâu trong đất liền dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi nước biển dâng nhưng nhiều nơi, như TP Mexico City - Mexico hay thung lũng San Joaquin, bang California - Mỹ, đang vật lộn với những thách thức từ sụt lún đất. Thông tin tích cực là các cộng đồng có thể tự đối phó được thách thức này, không như giải pháp giảm nước biển dâng bằng cách thải ít khí carbon hơn - một nỗ lực đòi hỏi sự đồng thuận toàn cầu.

Cơn thịnh nộ từ lòng đất - Ảnh 1.

Bức tường bảo vệ thủ đô Jakarta - Indonesia trước mực nước biển dâng Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Khai thác nước ngầm

Nguyên nhân hàng đầu gây sụt lún tại phần lớn địa phương là tình trạng khai thác nước ngầm - một trong những nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng nhất trên thế giới - của con người. "Mọi hoạt động khai thác từ lòng đất đều dẫn đến sụt lún. Khi loại bỏ thứ gì đó từ các lớp tạo nên địa hình, mặt đất sẽ bắt đầu lún xuống" - nhà địa chất học Simone Fiaschi tại Trường ĐH Padova (Ý) giải thích với đài BBC.

Tại Ấn Độ, 85% nước uống được lấy từ mạch nước ngầm, trong khi 75% dân số châu Âu uống nước từ nguồn này. Ngoài ra, nước ngầm còn được sử dụng cho những mục đích khác. Chẳng hạn, năm 2010, việc tưới tiêu trong nông nghiệp ở Mỹ cần 225 triệu m3 nước ngầm mỗi ngày.

Nước ngầm được bổ sung tự nhiên từ mưa và tuyết thấm qua đất. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, mạch nước ngầm bị khai thác nhanh hơn thời gian cần thiết để khôi phục. Từ những dữ liệu có sẵn, các nhà khoa học cho rằng việc ngừng hút nước ngầm có thể ngăn chặn sụt lún, thậm chí giúp đất đai phục hồi.

Điều này đã được chứng minh tại một số thành phố. Sau nhiều thập niên khai thác nước ngầm ở Tokyo, đất bắt đầu lún nhiều hơn và đạt đỉnh điểm vào năm 1968 - khoảng 24 cm/năm. Cùng thời điểm, lượng nước ngầm bơm hút đạt mức cao kỷ lục 1,5 triệu m3/ngày. Nhằm ngăn chặn mọi chuyện trở nên xấu thêm, chính quyền Tokyo đã thông qua luật hạn chế hút nước ngầm. Đến đầu những năm 2000, Tokyo chỉ còn lún khoảng 1 cm/năm. Đi xa hơn, một số thành phố khác, như Thượng Hải - Trung Quốc, không chỉ hạn chế hút nước ngầm mà còn khôi phục tầng ngậm nước.

Còn tại vùng Vịnh Chesapeake ở bang Virginia - Mỹ, một giải pháp sáng tạo khác đang được thực hiện. Một dự án mang tên Swift sẽ xử lý để nước thải có những tính chất tương tự nước ngầm rồi bơm trở lại tầng ngậm nước. Dự án đặt mục tiêu cung cấp 45.500 - 91.000 m3 nước/ngày cho tầng ngậm nước vào năm 2023. Nếu đạt hiệu quả, dự án sẽ tăng con số này lên 545.000 m3/ngày vào năm 2030 và được mở rộng sang những nơi khác.

Giới chức địa phương cho rằng đây có thể là ý tưởng duy nhất mà họ có thể thực hiện để giúp làm chậm tác động của sụt lún và nước biển dâng tại khu vực. Riêng Jakarta sẽ phải cần đến cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng để có thể xây những bức tường đủ cao nhằm giữ thành phố đứng vững trước các con sông, kênh rạch và biển Java đang ngày một dâng cao. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo