Đó là chưa kể khoảng nửa tá giải golf mà Công ty Trump Organization đang giành quyền tổ chức tại các sân của họ từ Miami (Mỹ) đến Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất).
Ông Donald Trump bắt đầu mua sân golf vào khoảng năm 2001. Theo The New York Times, đến nay nhà ông sở hữu 15 sân trên khắp thế giới và đang xây 3 sân khác. Tân chủ nhân Nhà Trắng từng chê người tiền nhiệm Barack Obama chơi golf quá nhiều song bản thân ông đã quay về khu resort Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida 4/5 kỳ nghỉ cuối tuần gần đây nhất để chơi golf, trong đó có cuộc đọ gậy với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Ông Trump không phải tay golf đầu tiên trong Nhà Trắng. Có tới 16 trong số 19 tổng thống Mỹ gần đây nhất yêu thích môn thể thao này. Con trai ông Trump là Eric Trump cũng nói công ty gia đình ông đầu tư hơn 1 tỉ USD để kinh doanh sân golf từ năm 2005 và doanh thu tăng cao là nhờ giá trị tài sản không ngừng tăng ở Phố Wall.
Nhưng những điều này không ngăn được các lo ngại về mối xung đột lợi ích. Trong khi ông Robert Weissman, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen, cho rằng golf là một ví dụ khác của “việc kiếm tiền từ nhiệm kỳ tổng thống” thì các nhóm bảo vệ môi trường nổi đóa trước chuyện ông Trump vừa nhậm chức đã bãi bỏ quy định bảo vệ nguồn nước uống của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ. Quy định này vốn bị giới kinh doanh golf ghét cay ghét đắng.
“Người Mỹ đã chọn một doanh nhân làm tổng thống” - Eric Trump nói. Và đúng vậy, dù đã là tổng tư lệnh nước Mỹ nhưng “ông Trump doanh nhân” vẫn hiện hữu thông qua hàng loạt thương hiệu mang tên mình trên toàn cầu. Cuộc chiến bảo vệ và phát triển các thương hiệu đó nhiều lúc đụng độ với chiến lược “Nước Mỹ trên hết” mà ông khởi xướng.
Đó là lý do khiến sự kiện Trung Quốc bước đầu thông qua 38 nhãn hiệu mang tên ông Trump vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua gây rất nhiều chú ý lẫn chỉ trích.
Theo báo The Washington Post (Mỹ), không có bằng chứng Bắc Kinh ưu ái ông Trump, cũng không có gì khẳng định ông sẽ gầy dựng việc làm ăn theo những nhãn hiệu nói trên. Ở Trung Quốc, luật thương hiệu ưu tiên người đăng ký trước nên các luật sư thường khuyên khách hàng nhanh chân “giành chỗ”.
Vấn đề là ở chỗ các công ty của ông Trump đã nộp đơn đăng ký ít nhất 130 nhãn hiệu ở Trung Quốc kể từ năm 2005 nhưng hành trình khá chật vật. Tháng trước, nhãn hiệu mang tên ông trong lĩnh vực xây dựng được Trung Quốc cấp phép - sau cuộc chiến pháp lý 10 năm dai dẳng và chỉ vài ngày sau khi tổng thống Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Về 38 nhãn hiệu mới, theo AP, Trung Quốc hôm 9-3 khẳng định họ làm đúng quy trình chứ không “nhanh bất thường” như một số chuyên gia đánh giá. Trong email gửi Washington Post, ông Alan Garten, luật sư trưởng của Trump Organization, nhấn mạnh đây là “kết quả tự nhiên của những nỗ lực lâu dài nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.
Tuy nhiên, chỉ riêng việc 38 nhãn hiệu nói trên được đăng ký vào tháng 4-2016 cũng khá nhạy cảm, bởi đó là lúc ông Trump - với tư cách ứng viên tổng thống Mỹ bên Đảng Cộng hòa - ra sức lên án cách Trung Quốc làm thương mại. Những tiếng nói chỉ trích lo ngại “bộ sưu tập” thương hiệu của ông Trump sẽ khiến ông vướng víu trong chính sách đối ngoại, nhất là khi ông chưa hoàn toàn rũ bỏ các lợi ích kinh doanh của mình.
Bình luận (0)