Những cuộc phỏng vấn tuyển dụng diễn ra khá suôn sẻ đối với Junko Ogawa. Cô tự tin trả lời tất cả câu hỏi về trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và tạo được ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng.
Trở ngại bất ngờ
Điều khiến Ogawa khó hiểu nhất là các công ty thông báo muốn tuyển dụng nhân viên có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài nhưng khi tìm được người phù hợp lại không biết xếp họ vào đâu. Cô bức xúc: “Tôi thật sự rất thất vọng. Tôi đã học hành siêng năng để có thể làm công việc mình yêu thích”. Gần 1 năm trước, Ogawa đã rời Nhật Bản đến thành phố Sydney - Úc và nhanh chóng có được công việc thiết kế đồ họa đúng sở thích và chuyên ngành của mình.
Câu chuyện trên là một trong những bằng chứng cho hiện tượng các công ty Nhật Bản không mấy mặn mà với ứng viên có bằng cấp nước ngoài. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Tuyển dụng Disco cho thấy chỉ chưa đến 25% trong số 1.000 công ty Nhật Bản được hỏi có kế hoạch tuyển dụng ứng viên từng học tập tại nước ngoài. Ngoài ra, chưa đến 40% công ty lớn định tuyển dụng người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài.
Chú trọng văn hóa hơn chuyên môn
Lo ngại tương lai nghề nghiệp bị ảnh hưởng có thể là một trong những lý do khiến ngày càng ít người Nhật chọn con đường du học. Theo thống kê, số sinh viên Nhật học tại các trường đại học nước ngoài giảm từ 82.945 người năm 2004 xuống dưới 60.000 người năm 2010. Tính riêng tại Mỹ, số sinh viên Nhật đã giảm từ mức 47.000 sinh viên trong năm học 1997-1998 xuống còn 19.900 người trong năm học 2011-2012.
Ông Nathaniel Pemberton, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Tư vấn tuyển dụng Robert Walters tại Osaka, nhận định các công ty Nhật Bản thường chú trọng yếu tố hòa hợp văn hóa hơn là kỹ năng, trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong quá trình tuyển dụng. “Một số công ty thường lo ngại vô căn cứ về việc người tốt nghiệp đại học nước ngoài sẽ không hợp với văn hóa công ty hoặc không thành thạo tiếng Nhật” - ông Pemberton nói.
Chuyên gia này lo ngại xu hướng tuyển dụng nói trên có thể khiến các công ty Nhật Bản gặp khó trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay. Ông khuyến cáo: “Họ cần phải thu hút và giữ chân những chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm quốc tế nếu muốn trụ lại trên thương trường thế giới”.
Bình luận (0)