Trong 5 tháng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Solomon Lartey ngày nào cũng đối mặt với chiếc bàn đầy mẩu giấy vụn bên trong Tòa nhà Văn phòng điều hành cũ tại thủ đô Washington.
Cảnh tượng hiếm thấy
Gần 30 năm làm việc cho chính phủ, nhà phân tích quản lý hồ sơ nói trên chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào như thế. Ông cũng chưa bao giờ phải dán lại những tài liệu, giấy tờ bị tổng thống xé rách.
Công việc hiếm thấy này đòi hỏi ông Lartey và các đồng nghiệp phải sàng lọc qua đống giấy vụn và dán chúng lại. Đôi khi các tờ giấy chỉ bị xé làm đôi nhưng cũng không ít lần chúng bị xé thành từng mảnh nhỏ đến nỗi trông như hoa giấy.
Theo trang Politico, nhóm của ông Lartey vô tình là "nạn nhân" của thói quen kỳ quặc lâu nay của Tổng thống Donald Trump về việc xé giấy tờ sau khi đọc xong - được một số người mô tả là "hệ thống lưu trữ hồ sơ" không chính thức của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm.
Điều đáng nói là theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, Nhà Trắng phải lưu giữ mọi bản ghi nhớ, thư từ, email và giấy tờ mà tổng thống xem qua, gửi chúng đến Cục Văn khố quốc gia để bảo quản làm tài liệu lịch sử.
Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, các trợ lý Nhà Trắng đã sớm nhận ra họ không thể ngăn tổng thống xé giấy tờ, tài liệu không còn dùng rồi ném vào thùng rác hoặc vứt bừa trên sàn nhà.
Thay vào đó, họ tìm cách dọn dẹp mớ lộn xộn nói trên để bảo đảm mọi chuyện đều đúng luật. Cực chẳng đã, họ phải thu gom những mẩu giấy rơi rớt tại Phòng Bầu dục cũng như nơi ở riêng của ông Trump và gửi chúng đến nhóm của ông Lartey để dán lại.
"Chúng tôi được cấp băng keo trong, tìm và dán các mẩu giấy liên quan rồi đưa chúng cho người giám sát" - ông Lartey kể với tạp chí Politico trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Trong số các mảnh giấy đến tay ông Lartey có cả những mẩu giấy báo được ông Trump viết nguệch ngoạc hoặc khoanh tròn các từ trên đó; giấy mời; thư từ của các cử tri hoặc nhà lập pháp, trong đó có cả lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer. Các giấy tờ sau khi dán lại sẽ được mang đến Cục Văn khố quốc gia để lưu trữ đúng cách.
Hai ông Reginald Young Jr. (trái) và Solomon Lartey diễn tả lại công việc dán giấy tờ, tài liệu bị Tổng thống Donald Trump xé rách khi trả lời phỏng vấn đài CNN Ảnh: CNN
Tương phản với ông Obama
Dĩ nhiên là ông Lartey không làm việc một mình. Ông cho biết tất cả thành viên bộ phận của ông dành toàn bộ thời gian cho công việc dán giấy trong những tháng đầu tiên của chính quyền ông Trump. Một trong những đồng nghiệp của ông, Reginald Young Jr. từng là một nhà phân tích quản lý hồ sơ cao cấp, cho biết trong hơn 2 thập kỷ làm việc cho chính phủ, ông chưa bao giờ được yêu cầu làm một việc như vậy.
"Chúng tôi phải chịu đựng điều này dưới thời ông Trump. Tôi nhìn thẳng vào mắt người quản lý của mình và hỏi "Các vị có nghiêm túc không?". Chúng tôi kiếm được hơn 60.000 USD/năm. Chúng tôi cần phải làm những việc quan trọng hơn nhiều so với chuyện này" - ông Young bức xúc. Theo hai ông Young và Lartey, các nhân viên trong bộ phận hồ sơ vẫn được giao nhiệm vụ dán giấy cho đến mùa xuân năm nay.
"Thời người tiền nhiệm Barack Obama, tất cả giấy tờ, tài liệu chính thức sau khi vào Phòng Bầu dục đều quay trở ra và tôi nhớ rằng chưa từng có chuyện tổng thống ném đi bất kỳ giấy tờ chính thức nào" - bà Lisa Brown, một cựu thư ký của ông Obama, nhớ lại.
Theo mô tả của bà Brown, tất cả giấy tờ trước khi đến tay tổng thống đều đặt trong một bìa kẹp hồ sơ được dán nhãn với màu sắc khác nhau dành cho loại tài liệu khác nhau, như bản ghi nhớ quyết định, thư từ… Các tài liệu sẽ được chuyển đến tổng thống rồi trở lại văn phòng thư ký trong cùng một bìa kẹp hồ sơ để phân phối và xử lý.
Bà Brown cho biết ông Obama rất quan tâm đến việc bảo quản tài liệu, ngay cả với những gì không cần phải gửi đến Cục Văn khố quốc gia. Trái lại, ông Trump không có những bản năng gìn giữ như thế. Một người quen thuộc với hoạt động của ông Trump tại Phòng Bầu dục tiết lộ ông có thể xé bất kỳ giấy tờ gì "tình cờ có mặt trên bàn sau khi xem xong". Một số trợ lý đã khuyên ông không nên làm thế nhưng xem ra không dễ phá vỡ thói quen này.
Quy mô đội ngũ dán giấy tờ bất đắc dĩ nói trên đã bị thu hẹp sau khi một số nhân vật kỳ cựu đột ngột bị ép "về hưu non" vào đầu năm nay, trong đó có 2 ông Lartey, 54 tuổi và Young, 48 tuổi. Cả 2 người này cho biết họ bị buộc ký vào thư từ chức được viết sẵn mà không có lời giải thích nào được đưa ra về lý do họ bị sa thải.
Ông Lartey cho biết mình bị sa thải sau khi làm việc hết ngày 23-3 mà không hề được báo trước. Lá thư từ chức nói trên nói ông nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội khác nhưng ông hiện vẫn thất nghiệp. Trong khi đó, sau khi bị mất việc hôm 19-4, ông Young đã làm căng nhưng không thay đổi được gì. Điều an ủi là cả 2 nhân vật nói trên giờ đây không còn phải làm thứ công việc kỳ quặc mà mới đầu họ xem như một kiểu hình phạt.
Bình luận (0)