xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công xưởng đẻ mướn thế giới

THẢO HƯƠNG

Nhằm đẩy mạnh du lịch y tế, năm 2002, Ấn Độ hợp pháp hóa việc đẻ mướn với kỳ vọng thu được 2,3 tỉ USD/năm vào năm 2012

"Công xưởng đẻ mướn thế giới", "Thủ đô đẻ mướn thế giới" là những cụm từ mà báo chí đặt cho Ấn Độ khi nước này hằng năm thu hút hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn đến từ các nước Anh, Úc, Mỹ, Canada... với mục đích mướn phụ nữ bản địa sinh con cho họ.
 
img
Xếp hàng chờ ký hợp đồng tại một bệnh viện ở Anand. Ảnh: AP
 
Giá mềm
 
Thật ra, Ấn Độ không phải là nước duy nhất thu hút đông khách du lịch sinh sản, một dạng du lịch y tế bùng nổ trong những năm gần đây. Israel là nước hàng đầu về thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với số lượng bệnh viện cung cấp dịch vụ này cao nhất thế giới tính theo đầu người.
 
Mỹ cũng là nơi ưa thích của du khách châu Âu vì hiệu quả cao và luật lệ đâu đó rõ ràng. Tuy vậy, Ấn Độ mới là điểm đến ưa thích của du khách các nước phát triển vì giá cả mềm và tay nghề bác sĩ không thua kém các đồng nghiệp Âu Mỹ.
 
Các bệnh viện chuyên ngành Ấn Độ (khoảng 3.000 đơn vị, theo Ủy ban Phụ nữ Quốc gia Ấn Độ) cũng rất cạnh tranh, không chỉ về giá cả mà còn về đội ngũ người đẻ mướn dồi dào, sẵn sàng phục vụ khách theo phương châm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".
 
Các bệnh viện ở Ấn Độ thu phí trọn gói từ 10.000 USD đến 28.000 USD bao gồm tiền thực hiện IVF, tiền thuê người đẻ mướn, vé máy bay, ăn ở tại khách sạn và thủ tục y tế. Mức giá này chỉ bằng 1/3 ở Anh hay 1/5 so với Mỹ.
 
Anand, một thành phố nhỏ an bình thuộc bang Gujarat ở miền Tây Ấn Độ, nổi tiếng là thủ đô của sữa bò toàn nước Ấn. Nó cũng được coi là "thủ đô đẻ mướn" nhờ giá rẻ, dễ dàng tìm người đẻ mướn.
 
Tâm sự người trong cuộc
 
Nandini Patel, 27 tuổi, là một người đẻ mướn ở Anand. Chị đã có chồng và 2 con. Lúc Patel mang thai mướn, chồng con đến thăm chị thường xuyên một cách bình thường.
 
Bào thai là kết quả thụ tinh của trứng và tinh trùng của vợ chồng bà Julie, quốc tịch Mỹ. Việc thụ tinh và chuyển phôi thai vào tử cung của Patel được thực hiện tại bệnh viện chữa trị bệnh hiếm muộn Akanksha ở Anand.
 
Chị Patel chia sẻ: "Tôi làm việc này vì tương lai con cái và cũng vì tôi ước mơ có nhà riêng. Hiện nay, chúng tôi ở nhà mướn. Với số tiền người ta mướn đẻ, tôi có thể mua được một căn nhà mơ ước. Chồng tôi ít học, làm lụng vất vả mà mỗi tháng chỉ kiếm được 50 USD, chỉ đủ ăn, biết bao giờ mới có tiền mua nhà?".
 
Việc đẻ mướn thường bị phê bình là bóc lột phụ nữ nghèo. Tuy nhiên, chị Priyanka Sharma từng đẻ mướn một lần và đang thực hiện hợp đồng thứ hai lại nghĩ khác: "Tôi sẵn lòng làm thêm vì không có gì sai. Hơn nữa, đây là một cơ hội tồn tại trong cái thế giới giàu nghèo rất cách biệt này. Chúng tôi sinh cho họ một đứa con, họ cho lại số tiền mà chúng tôi cần".
 
Julie, khách hàng của chị Patel, là một người Mỹ xinh đẹp, tuổi trạc 35-36. Bà đã 5 lần đi thụ thai bằng IVF ở Mỹ nhưng không thành. Từ Mỹ, Julie đến Anand tìm người đẻ mướn.
 
Bà Julie giải thích: "Luật pháp Mỹ về mang thai hộ rất rắc rối. Thuê người mang thai hộ cũng đắt tiền, khoảng 80.000 USD. Ở đây, giá mềm hơn nhiều, thủ tục cũng không nhiêu khê như ở Mỹ. Tôi thích nhất là những người đẻ mướn ở ngay trong bệnh viện hoặc nhà tập thể suốt thời gian mang thai. Việc theo dõi sức khỏe và chế độ dinh dưỡng rất thuận tiện. Ở Mỹ không được như vậy. Không thể biết được người mang thai hộ có hút thuốc lá, uống rượu, thậm chí dùng ma túy hay không".
 
Trên đà phát triển, ngành công nghiệp đẻ mướn ở Ấn Độ tất nhiên cũng có mặt trái. Không ít "cò đẻ mướn" lôi kéo phụ nữ nghèo làm nghề để ăn chặn, ăn bớt tiền thuê mướn. Cũng có những trường hợp đẻ mướn với mục đích khủng bố, mại dâm hoặc nghiên cứu công nghệ di truyền trái với y đức.
 
img
Bà Karen Kim (bên phải), một khách hàng người Mỹ gốc Á,
vui sướng bồng đứa con mới sinh bên cạnh người đẻ mướn Ấn Độ. Ảnh: AFP
 
Điều chỉnh cung cầu
 
Để ngăn chặn những tệ nạn kể trên, năm 2010, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua dự luật điều chỉnh công nghệ sinh sản có hỗ trợ. Theo luật mới này, tuổi người đẻ mướn không được dưới 21 hoặc hơn 35. Trước đây, có nhiều người đẻ mướn tuổi vị thành niên hoặc trên 40 tuổi. Nếu đương sự có chồng, họ phải được sự đồng ý của chồng.
 
Người đẻ mướn cũng không được sinh nở quá 5 lần, tính luôn cả lần sinh con ruột. Điều khoản này nhằm bảo vệ sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh. Riêng chuyện mang thai hộ, luật không cho phép thực hiện quá 3 lần cho cùng một cặp vợ chồng.
 
Trong luật quy định rõ chỉ có công dân Ấn Độ mới được ký hợp đồng đẻ mướn. Không bệnh viện nào được phép đưa người ra nước ngoài để đẻ mướn. Tên tuổi người đẻ mướn phải được giữ bí mật tối đa.
 
Bộ luật cũng có một điều khoản quan trọng quy định rằng giấy khai sinh em bé phải ghi tên cha mẹ là người thuê mướn và những người này phải chấp nhận nuôi dưỡng đứa bé cho dù gặp phải trường hợp mắc bệnh bẩm sinh.
 
Bác sĩ Anoop Gupta, cha đẻ phương pháp IVF của Ấn Độ, hoan nghênh luật mới: "Bộ luật này điều chỉnh ngành công nghiệp đẻ mướn theo hướng tích cực và xóa sổ những kiểu làm ăn chụp giựt".
 
Sau khi bộ luật mới được quốc hội thông qua, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước cấm đẻ mướn như Ý, Úc, Tây Ban Nha, Trung Quốc và những nước cho phép đẻ mướn rất hạn chế như Mỹ, Pháp và Đức, ngành công nghiệp đẻ mướn của Ấn Độ có triển vọng phát triển mạnh trong những năm tới.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo