Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu ra 5 mục tiêu, trong đó có đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng thông qua các nguồn tái tạo đến năm 2030 để hướng đến trung hòa carbon đến năm 2070. Ông Modi còn tuyên bố Ấn Độ (quốc gia phát thải carbon lớn thứ 3 thế giới) sẽ cắt giảm 45% lượng phát thải carbon.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh các nước cần hành động "quyết liệt hơn" để bảo vệ hành tinh. Chủ tịch Tập Cận Bình, người không trực tiếp dự COP26, còn kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Một giếng dầu hoạt động ở TP Watford, bang Bắc Dakota – Mỹ hôm 26-8 Ảnh: AP
Theo Tân Hoa xã, ông Tập cũng cam kết "tích cực" phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng các trạm năng lượng gió và mặt trời, đồng thời hạn chế những dự án tiêu thụ năng lượng cao và phát thải mạnh.
Theo đài CNBC, đây không phải là những cam kết mới trong khi Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon mạnh nhất thế giới, vượt mức phát thải khí nhà kính của Mỹ và nhóm nước phát triển cộng lại. Tương tự Ấn Độ, Trung Quốc đề ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 - chậm hơn so với mục tiêu năm 2050 của các nhà tổ chức COP26.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2-11 thông báo kế hoạch hạn chế phát thải khí metan, sau khi ông chủ Nhà Trắng cam kết hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) cùng những quốc gia khác để cắt giảm 30% tổng lượng phát thải metan trên toàn thế giới đến năm 2030.
Bình luận (0)