Theo tờ The New York Times, đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào hội nghị nói trên, nhờ nỗ lực của nước chủ nhà COP27 và Pakistan, nước dẫn đầu một nhóm 77 quốc gia đang phát triển.
"Bồi thường khí hậu" chỉ việc các quốc gia giàu có, phát thải nhiều có trách nhiệm bồi thường cho các quốc gia đang phát triển, phát thải ít nhưng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu do vị trí địa lý.
LHQ từng nhiều lần nhắc đến chủ đề này trong bối cảnh thế giới chứng kiến hàng loạt tổn thất nghiêm trọng liên quan đến biến đổi khí hậu thời gian qua, như lũ lụt nghiêm trọng khiến 1.700 người thiệt mạng ở Pakistan; nhiều ngôi làng ở Fiji phải di tản vì nước biển dâng; hạn hán dai dẳng ở Kenya giết chết gia súc và tàn phá sinh kế…
Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), hy vọng diễn biến nói trên có thể mở đường cho một thỏa hiệp vào cuối hội nghị COP27.
Khung cảnh hạn hán tại thị trấn Kajiado (Kenya) hồi tháng 10-2022 Ảnh: Reuters
Vào năm 2021, các nước giàu cam kết cung cấp 40 tỉ USD/năm đến năm 2025 để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một báo cáo của LHQ ước tính con số này chưa đến 1/5 nhu cầu thực tế của các nước đang phát triển.
Điều này thúc đẩy lời kêu gọi một khoản tiền riêng để giúp các nước nghèo khắc phục thiệt hại của các thảm họa khí hậu. Trước áp lực gia tăng, ông John Kerry, đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đồng ý thảo luận về ý tưởng tài trợ cho tổn thất và thiệt hại, một động thái giúp tránh những tranh cãi gay gắt liên quan đến chương trình nghị sự của hội nghị COP27.
Hiện có nhiều ý kiến xung quanh việc các nước giàu nên lấy tiền từ đâu để chi cho chính sách bồi thường khí hậu. Các nước nghèo, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu đang kêu gọi đánh thuế lợi nhuận tăng bất thường của các công ty năng lượng.
Theo AP, 6 tập đoàn năng lượng ExxonMobil, Chevron (đều của Mỹ), Shell, BP (đều của Anh), Saudi Aramco (Ả Rập Saudi) và Total Energies (Pháp) có tổng lợi nhuận 97,49 tỉ USD trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9-2022, tức là vào thời điểm Pakistan đang chịu cảnh ngập lụt.
Bình luận (0)