Nhân dịp này, hơn 70.000 hạt giống cây trồng mới được gửi vào đây, bao gồm những loại lúa, lúa mì và ngô; đậu mắt đen (còn gọi là đậu trắng mắt cua) - nguồn protein chính ở châu Phi và Nam Á; đậu phộng Bambara - giống cây trồng chịu được hạn hán ở châu Phi.
Ngoài ra, ông Nikolai Dzyubenko, Giám đốc Viện Nguồn di truyền Thảo mộc toàn Nga Nikolai Vavilov, nói với hãng tin TASS hôm 26-2 rằng Nga có kế hoạch đưa khoảng 2.200 loại hạt giống đến GSV.
Bên trong hầm lưu trữ hạt giống toàn cầu ở Na Uy Ảnh: FLICKER
Kể từ khi GSV đi vào hoạt động hôm 26-2-2008, theo đài BBC, tổng cộng 1.059.646 giống cây lương thực khác nhau đã được 73 cơ quan, tổ chức gửi vào đây. GSV có sức chứa đến 4,5 tỉ hạt giống các loại. Nếu chiến tranh hạt nhân hoặc tình trạng ấm lên toàn cầu tàn phá các giống cây trồng nhất định, các chính phủ sẽ có thể đề nghị xuất hạt giống từ hầm lưu trữ trên để tái gầy dựng nền nông nghiệp trên đất nước của mình.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên rút hạt giống ra khỏi GSV vào năm 2015 để tạo ra các ngân hàng hạt giống ở Morocco và Lebanon sau khi ngân hàng hạt giống trung tâm của khu vực nằm tại Aleppo - Syria bị hư hại do chiến tranh. Sau đó, các loại hạt giống trên đã được bổ sung vào GSV vào năm 2017.
Hầm lưu trữ này mở cửa mỗi năm 2 lần để đón nhận hạt giống gửi đến. Sự đa dạng cây trồng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ tương lai của nguồn cung cấp thực phẩm trên thế giới trong bối cảnh trái đất đối mặt nhiều mối đe dọa, như hạn hán và biến đổi khí hậu.
Trang The Verge cho biết Na Uy sẽ chi 12,7 triệu USD để nâng cấp GSV, trong đó có việc xây một đường hầm mới bằng bê tông và một tòa nhà chứa "hệ thống cấp điện khẩn cấp, làm lạnh và tỏa nhiệt". Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm Na Uy Jon Georg Dale cho biết quá trình nâng cấp sẽ sớm diễn ra.
Bình luận (0)