Đài RT ngày 17-10 cho biết các nhà khoa học tại Trường ĐH Boston (Mỹ) tuyên bố họ đã tạo ra một biến thể mới của COVID-19 với tỉ lệ gây tử vong là 80%. Biến thể này là sự kết hợp giữa biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao với chủng virus SARS-CoV-2 phát hiện tại TP Vũ Hán - Trung Quốc ban đầu.
Trong bản nghiên cứu được công bố hồi tuần trước, các nhà khoa học tại Trường ĐH Boston giải thích rằng họ đã cô lập protein đột biến của biến thể Omicron và kết hợp nó với “xương sống” của chủng virus SARS-CoV-2 hoành hành vào đầu năm 2020. Điều này hình thành một loại virus có khả năng "né" miễn dịch do vắc-xin tạo ra một cách mạnh mẽ, khiến những con chuột thí nghiệm mắc bệnh nặng và 80% trong số chúng đã chết trong quá trình thử nghiệm.
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm chuẩn bị các mẫu bệnh phẩm COVID-19 để xét nghiệm tại New York - Mỹ. Ảnh: AP
Nhóm nghiên cứu khẳng định chủng đột biến COVID-19 mới của họ "ít gây chết người hơn so với chuột" nhưng nó tạo ra nhiều hạt virus hơn gấp 5 lần trong tế bào phổi của người được nuôi trong phòng thí nghiệm khi so sánh với biến thể Omicron.
Thông tin trên đã thu hút sự chú ý bởi trước đó, có giả thuyết cho rằng việc thay đổi mầm bệnh để nâng cao hiệu lực của virus tại Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) đã khiến COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Theo RT, Mỹ đã "tài trợ cho nghiên cứu như vậy tại Viện Virus học Vũ Hán" mặc dù vẫn chưa rõ liệu loại virus gây ra đại dịch COVID-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm hay không.
Cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Sinh học Israel Shmuel Shapira nói về các thí nghiệm ở Boston: "Điều này hoàn toàn bị cấm. Họ đang đùa với lửa".
Nhóm nghiên cứu ở Boston không phải là các nhà khoa học duy nhất quay lại nghiên cứu mối nguy hiểm tiềm tàng hậu đại dịch. EcoHealth Alliance, công ty tư nhân chịu trách nhiệm về phần lớn nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán trước năm 2020, đã được Mỹ tài trợ 650.000 USD hồi tháng trước để nghiên cứu “sự xuất hiện virus từ dơi tiềm tàng trong tương lai ở một số nước Đông Nam Á".
Bình luận (0)