Campuchia hôm 12-4 ghi nhận thêm 277 ca nhiễm và 1 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số lần lượt lên 4.515 và 30 ca. Cũng giống những ngày trước đó, phần lớn ca nhiễm mới đến từ thủ đô Phnom Penh. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Campuchia, bà Li Ailan, cảnh báo những ca nhiễm liên quan đến biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 (có khả năng lây nhiễm mạnh hơn) đã xuất hiện tại Campuchia.
Covid-19 ở Đông Nam Á rất "căng"
Trong khi đó, Trung tâm Quản lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) của Thái Lan thông báo 985 ca nhiễm mới vào ngày 12-4, mức tăng kỷ lục kể từ khi đại dịch khởi phát, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 33.610 ca.
Theo Reuters, ít nhất 38 tỉnh đã yêu cầu người đến từ những khu vực nguy cơ cao cách ly 14 ngày. Những cơ sở giải trí về đêm, như quán rượu và karaoke, ở Bangkok và 40 tỉnh sẽ bị đóng cửa đến ngày 23-4. Tình hình này đe dọa kế hoạch chào đón du khách trở lại của Thái Lan. Giới chức Thái Lan đang đẩy mạnh tiêm chủng nhằm tái mở cửa Phuket vào tháng 7 tới, trước khi mở rộng đến những địa danh nổi tiếng khác, bao gồm đảo Koh Samui.
Chính phủ Philippines phát tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân tại vùng đô thị Manila hôm 12-4 Ảnh: REUTERS
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 11-4 quyết định nới lỏng lệnh hạn chế đi lại ở vùng đô thị Manila và 4 tỉnh lân cận, gồm Bulacan, Rizal, Laguna và Cavite. Trong khuôn khổ của các biện pháp phong tỏa được điều chỉnh và có hiệu lực đến cuối tháng 4, phần lớn người dân tại các khu vực trên vẫn phải ở nhà song sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được mở cửa trong khi hạn chế đối với các doanh nghiệp đã mở cửa trước đó được nới lỏng. Giờ giới nghiêm cũng cắt giảm.
Philippines hiện là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 tại Đông Nam Á với 864.868 ca nhiễm tính đến ngày 11-4, tăng thêm 11.681 ca so với 1 ngày trước đó. Cũng trong ngày 11-4, Bộ Y tế Lào thông báo 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 51 ca.
Ở các khu vực khác của châu Á, sau khi ghi nhận thêm 168.912 ca nhiễm vào ngày 12-4, Ấn Độ đã vượt qua Brazil để trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ 2 thế giới với 13,53 triệu ca. Hiện tại, cứ mỗi 6 ca nhiễm mới trên toàn cầu thì có 1 ca đến từ Ấn Độ. Bất chấp lời kêu gọi duy trì giãn cách của giới chức, hàng trăm ngàn tín đồ Hindu giáo vẫn tập trung bên bờ sông Hằng vào ngày 12-4 để tham dự lễ hội Kumbh Mela.
Đây cũng là thời điểm Nhật Bản bắt đầu chương trình tiêm phòng Covid-19 cho nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên, sau khi tiêm ưu tiên cho lực lượng y tế tuyến đầu. Nước này đến nay chỉ cấp phép cho vắc-xin của Pfizer-BioNTech. Việc khởi động tiêm chủng trễ khiến nhiều người lo ngại kinh tế Nhật sẽ phục hồi chậm hơn thế giới 2 năm và trước mắt là không kịp đạt miễn dịch cộng đồng trước Olympic Tokyo vào ngày 23-7.
Cùng ngày 12-4, Tokyo bước vào tình trạng bán khẩn cấp trong một tháng nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư, cho phép Thống đốc Koike Yuriko cắt giảm thời gian hoạt động của nhà hàng và quán bar. Trạng thái bán khẩn cấp cũng được áp dụng cho TP Kyoto và đảo Okinawa đến ngày 5-5, ngày cuối trong kỳ nghỉ "Tuần lễ vàng" của Nhật Bản.
Trong khi đó, điểm sáng le lói ở một số nước châu Âu. Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza chia sẻ với báo La Repubblica về kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với người dân và doanh nghiệp từ tháng 5, chẳng hạn cho phép nhà hàng và quán bar mở cửa đến 18 giờ, kể cả chủ nhật.
Cũng trong ngày 12-4, cửa hàng, quán rượu, phòng gym và tiệm làm tóc trên khắp nước Anh được phép mở cửa trở lại sau 3 tháng phong tỏa. Mặc dù gọi đây là "một bước tiến quan trọng" trong hành trình trở lại trạng thái bình thường, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân hành xử có trách nhiệm bởi mối đe dọa Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
Bình luận (0)