Covid-19 sẽ là nội dung chính trong phiên họp ngày 22-9 khi vấn đề bất bình đẳng trong nguồn cung vắc-xin còn gây tranh cãi.
Theo Reuters, Tổng Thư ký LHQ Antonio Gueterres dự kiến kêu gọi lãnh đạo các nước tiêm phòng cho 70% dân số thế giới đến tháng 9-2022. Trong số 5,7 tỉ liều vắc-xin được sử dụng trên toàn cầu, chỉ có 2% được dùng ở châu Phi.
Sau khi phiên họp năm ngoái diễn ra bằng hình thức phát các bài phát biểu thu sẵn của các nhà lãnh đạo, việc hơn 100 nhà lãnh đạo các nước và vùng lãnh thổ đến dự phiên họp trực tiếp năm nay không chỉ mang tính biểu tượng mà còn cho thấy nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết các khủng hoảng chung - theo ông Richard Gowan, Giám đốc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế của LHQ.
Dù vậy, mối lo về Covid-19 hiển hiện ở việc chính quyền Washington đã yêu cầu LHQ thu hẹp quy mô phiên họp diễn ra ở TP New York nhằm tránh nguy cơ "siêu lây nhiễm".
Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở TP New York - Mỹ. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, bên cạnh bài phát biểu tại Đại Hội Đồng LHQ trong ngày 21-9 về đại dịch Covid-19, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến có thêm cuộc họp trực tuyến tại Washington với các nhà lãnh đạo và giám đốc công ty dược trong ngày 22-9 để thúc đẩy việc phân phối vắc-xin trên toàn cầu.
Ngoài chấm dứt đại dịch, theo Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield, Tổng thống Biden sẽ nói về các ưu tiên hàng đầu khác của Mỹ là biến đổi khí hậu, bảo vệ nhân quyền, dân chủ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Xem biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng lớn, ông Biden đã nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh và đề ra các quy định mới về bảo vệ môi trường. Về vấn đề này, Tổng Thư ký LHQ Gueterres cảnh báo thế giới đang ở "thời điểm bước ngoặt", đồng thời nhắc nhở Mỹ và Trung Quốc gạt qua bất đồng để hợp tác chống biến đổi khí hậu nhiều hơn.
Với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Israel, Nhật Bản, Ả Rập Saudi…, Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ cũng sẽ dành nhiều thời gian để trấn an rằng Mỹ duy trì cam kết quân sự với các đối tác.
Bình luận (0)